Bố mẹ vẫn thường nghĩ mình biết lắng nghe khi trò chuyện cùng con. Thế nhưng đó là việc nghe và giao tiếp thông thường. Nếu chúng ta bỏ qua việc lắng nghe sâu, thì cuộc nói chuyện có thể không hiệu quả hoặc đôi khi dẫn đến mâu thuẫn.
1/Vậy lắng nghe thật sự là gì?
Trong khai vấn, có 4 cấp độ lắng nghe mà bố mẹ có thể áp dụng trong các tình huống trò chuyện hàng ngày. Mức độ lắng nghe càng sâu, càng tăng tính hiệu quả.
Cấp độ 1: Lắng nghe giả vờ
Lắng nghe nhưng không chú tâm, bố mẹ tiếp nhận buổi trao đổi với trẻ một cách hời hợt, có thể biểu hiện như đồng ý, lắng nghe hoặc quan tâm. Thỉnh thoảng bạn gật đầu, hoặc trả lời trong vô thức như à, ừ, vâng nhưng không mang ý nghĩa.
Ví dụ: “Mẹ ơi, mẹ xem con vẽ đẹp chưa này?” Bố mẹ ở cấp độ này sẽ trả lời mà thậm chí không quan tâm đến nội dung thực sự của việc trò chuyện này. “Đẹp đó” hoặc “Ừ, mẹ thấy rồi”
Khi bố mẹ lạc vào những suy nghĩ khác khi đang trò chuyện cùng trẻ hoặc quá bận rộn với công việc cá nhân, bố mẹ có thể cảm thấy mình đã bỏ lỡ vài ý quan trọng. Lúc này, chúng ta hoàn toàn có thể nhận lỗi và mong được lắng nghe một lần nữa từ trẻ:
“Mẹ xin lỗi, con có thể nói lại không, mẹ vẫn chưa tập trung khi con đang nói. Con có thể nhắc lại lời lúc nãy được không?”.
Bằng cách thừa nhận việc đã mất tập trung, bố mẹ đang khẳng định lại bạn vẫn muốn lắng nghe. Trẻ vẫn hiểu, điều trẻ nói vẫn là quan trọng với bạn.
Cấp độ 2: Lắng nghe đàm thoại
Ở cấp độ này, lắng nghe chủ yếu để đối đáp tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Việc lắng nghe đơn thuần đạt được mục tiêu trong giao tiếp. Thường bố mẹ và trẻ sẽ nói, đối đáp trong lúc vừa nghe vừa suy nghĩ câu trả lời.
- Mẹ thấy rồi, con vẽ gì thế?
- Vẽ siêu nhân mẹ ạ!
- Mẹ thấy rồi!
Sự tập trung của bố mẹ là nghe điều trẻ nói và tập trung để suy nghĩ câu trả lời, đưa ý kiến giải pháp.
Cấp độ 3: Lắng nghe chủ động
Ở cấp độ này, ta sẽ ghi nhớ nội dung chính và thông tin quan trọng. Bố mẹ cần dành nhiều nỗ lực cho việc lắng nghe hơn là tập trung đưa ra phản hồi. Đồng thời, bố mẹ sẽ tập trung vào những điều trẻ đang nói để ghi nhận lặp lại các thông tin chính. Cuối cùng, tiến hành đặt các câu hỏi gợi mở hoặc làm rõ cho trẻ.
Ví dụ:
- Ồ, mẹ thấy con bảo mẹ vẽ tranh? Tranh của con vẽ gì thế?
- Tranh siêu nhân chiến đấu cá mập mẹ ơi?
- Ồ, siêu nhân đâu? Ồ , cá mập đâu? Con chỉ mẹ xem nhé?
- Nãy con bảo là hai bạn chiến đấu, kết quả thế nào vậy?
- Hai bạn sẽ đấu nhau dữ lắm, bạn siêu nhân thì dùng kiếm, bạn cá mập thì dùng hàm răng sắc nhọn.
- Ồ vậy, kiếm và răng thì thế nào nhỉ?
Cấp độ 4: Lắng nghe sâu
Ở cấp độ này, bố mẹ sẽ dùng năng lực lắng nghe sâu để thấu hiểu về những điều được nói, hay thậm chí hiểu cả những điều mà trẻ chưa nói. Sự lắng nghe là món quà mà người bố mẹ có thể trao tặng cho con. Vì việc này đòi hỏi nỗ lực của người nghe tập trung hoàn toàn vào nhu cầu và ý định người nói.
Đồng thời, trò chuyện khơi mở thường xuyên còn có thể giúp tăng trí thông minh cho trẻ.
Con đang có nhu cầu được kết nối cùng bố mẹ, con muốn được ghi nhận và chia sẻ thành quả của mình. Lúc này, bố mẹ sẽ đáp ứng nhu cầu ấy bằng việc dừng lại, dành sự kết nối, ghi nhận con trẻ.
Ở một quan điểm khác, đó là lắng nghe bằng tiềm thức và dùng nó lắng nghe con trẻ trong vô thức. Việc này có thể ảnh hướng đến cảm xúc và phản ứng của bố mẹ. VD: Trong tình huống con khóc đòi dỗ dành, bố mẹ sẽ dùng tiềm thức để bảo “Con có gì đâu là khóc?” như tình huống bị từ chối cảm xúc lúc nhỏ.
2/ Lắng nghe có tầm quan trọng như thế nào?
Lắng nghe chú tâm giúp ta hiểu rõ nội dung buổi trò chuyện đồng thời trao tặng một món quà cho con trẻ. Đây là nền tảng giúp xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống. Lắng nghe sâu là biểu hiện của sự quan tâm chân thành, đồng thời khơi gợi đồng cảm, chia sẻ cảm xúc giữa bố mẹ và con cái. Đồng thời, việc này giúp các bậc phụ huynh thấu hiểu cảm xúc, thông điệp và đưa ra lời khuyên trong thời điểm thích hợp.
Và quan trọng nhất, lắng nghe một cách tỉnh thức giúp người nghe quan sát chính mình. Liệu rằng tôi có đang nghe trong phán xét hay gắn nhãn? Liệu rằng tôi có đang muốn thay đổi người khác, mà đối tượng ở đây là con trẻ.
3/ Áp dụng trong tình huống con 5 tuổi ít nói, thụ động không tập trung khi trò chuyện cùng mẹ.
Trong quá trình khai vấn, tôi đã quan sát được các dấu hiệu sau khiến trẻ thu mình và các cuộc hội thoại không tập trung, khiến mẹ làm tưởng rằng con ít nói.
- Câu hỏi đóng: khiến bé chỉ muốn nói có hoặc không đế chấm dứt cuộc hội thoại.
- Con ở trường vui không?
- Mai con có muốn đi học không?
- Bố mẹ chưa lắng nghe sâu và tiếp tục làm việc của mình
- Ồ vậy hả.
- Rồi sao con?
- Bố mẹ tập trung vào 1 chủ đề và rào trước khiến con không có cơ hội được dẫn dắt buổi trò chuyện:
- Hôm con học cái gì?
- Mẹ thấy con chơi vắt cam hả ?
- Mẹ thấy con chơi với Nấm hả?
- Bố mẹ nói hết phần của bé, và đưa ra phản hồi quá nhanh
- Sao con chơi với Nấm mà không chơi với Bơ?
- Bơ mẹ thấy con từng thích chơi với Bơ mà?
- Con muốn vắt cam với mẹ giống trên trường không?
- Mình đi lấy cam nhé?
Vậy làm thế nào để thực hành lắng nghe sâu và khơi gợi kết nối cùng con thông qua các buổi trò chuyện mỗi ngày. Đừng quên để con dẫn dắt câu chuyện, hạn chế đưa ra câu hỏi đóng và chờ đợi đưa ra phản hồi. Không phán xét, góp ý và gắn nhãn trong quá trình lắng nghe để nắm bắt được nhu cầu phía sau.
Ví dụ:
- Hôm nay trên trường chuyện gì khiến con nhớ nhỉ? Mẹ muốn nghe câu chuyện quá!
- Không có gì mẹ !
- Không có gì luôn hả? Vậy mình đã làm những gì trên lớp ta? (dù đã biết là vắt cam)
- Thì học thôi, chơi với bạn?
- Bạn nào, mẹ có biết không nhỉ? (dù biết tỏng là bạn Nấm)
- Bạn Nấm
- Rồi con cùng Nấm chơi gì?
- Chơi búp bê.
- Ồ, chơi búp bê hả? Búp bê của hai bạn tên gì nhỉ? Hai bạn đã chơi trò gì cùng bạn búp bê?
- Chơi chải tóc và bán đồ hàng mẹ ạ?
- Thế tụi con chải kiểu tóc gì?, và bán món gì thế?
- …
Bạn biết không? Lần đầu tiên sau nhiều tháng, mẹ ấy đã trò chuyện với con rất lâu và dĩ nhiên điều tuyệt vời nhất, chính là sự kết nối đã từng đánh mất.
Và bé, không hề ít nói và khó trò chuyện bố mẹ nhé!
Chúc bố mẹ thành công. Và nếu vẫn còn khó khăn, mình ở đây để lắng nghe và đồng hành cùng bạn hoặc có thể nghe bài viết TẠI ĐÂY
Trinh Trương,