Menu
Làm cha mẹ

4 sai lầm khi phân xử các con đánh nhau.

Giải quyết mâu thuẫn đánh nhau giữa các con là vấn đề đau đầu mà các bố mẹ hay gặp phải. Làm thế nào xác định mình xử lý hợp lý và không khiến quan hệ anh em ngày càng xa cách? Đâu là bốn sai lầm bố mẹ thường hay mắc phải khi phân xử các con đánh nhau?

Bốn phản ứng sai làm thường gặp khi các con đánh nhau:

  • 1. Buộc trẻ chơi theo lượt dù trẻ chưa sẵn sàng

“Giờ chúng ta sẽ chơi theo lượt; con có 5 phút và sau đó là đến lượt em. Bắt đầu tính giờ từ bây giờ”

Cảm nhận của trẻ: “Sao có thể chơi 5 phút, bố mẹ nghĩ làm sao mình có thể chơi vui với bấy nhiêu đó thời gian”

Nghiên cứu chỉ ra rằng: nếu trẻ chỉ chơi trong một khoảng thời gian rất ngắn, thì trẻ không thể chơi “sâu”. Để con thật sự chơi một cách trọn vẹn và phát triển, trẻ cần nhiều hơn 5 phút để khám phá và chơi với chúng đến khi trẻ thấy đã đủ và sẵn sàng để dừng lại. Việc ép buộc trẻ chơi theo lượt khiến trẻ cảm thấy mình bị ép buộc và trẻ còn lại là nguyên nhân khiến trẻ bị tước đoạt quyền lợi.

  • 2.Trách phạt và cách ly trẻ

“Này, mẹ đã thấy con lấy đồ chơi của em. Nhìn coi con đã làm gì, con thấy con làm em khóc không? Đến đây xin lỗi hoặc là ra chỗ khác mà chơi một mình”

Cảm nhận của trẻ: “Sao lại trút giận lên mình, món đồ đó là của mình mà. Sao mẹ chỉ luôn bênh vực em và quát mắng mình thế” 

Nghiên cứu chỉ ra rằng: trách phạt và cách ly trẻ không giúp trẻ trở nên tốt đẹp hơn. Thay vào đó, nó tạo ra tâm lý nạn nhân và thủ phạm. Đứa trẻ bị lấy mất đồ như là nạn nhân, và đứa trẻ giành lấy đồ là người xấu.

  • 3. Đứng về một phía

“Sao con kì thế, con không được giành giật đồ như thế?, phải biết chia sẻ chứ”

Cảm nhận của trẻ là thất vọng và giận dữ. “Mình chỉ muốn bảo vệ, đây là đồ chơi của mình. Cứ mỗi lần em chơi là làm hỏng nó”

Nghiên cứu chỉ ra rằng: trẻ thường chỉ nhận thấy vấn đề của người khác mà không nhận ra điều sai ở bản thân trẻ. Điều này cũng có thể áp dụng cho cả người trưởng thành. Thế nên khi chọn đứng về phía nào, dù ta đang bảo vệ đứa trẻ nhỏ hơn, kết quả khiến đứa lớn hơn cảm thấy bị bỏ mặc.

  • 4. Làm ngơ bỏ qua

Cảm nhận của trẻ:  trẻ mạnh hơn cảm nhận uy quyền, trẻ yếu thế rơi vào sợ hãi để được an toàn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng: trẻ lớn mạnh hơn khi giành chiến thắng sẽ học được rằng “Mình có thể có được điều mình muốn bằng cách dùng sức mạnh để bắt nạt người khác”. Trẻ yếu thế hơn chọn từ bỏ để tránh bị đánh hay tổn thương. “Tôi không thể làm gì khác, đây là cách duy nhất để tránh bị bắt nạt”, có thể dẫn đến tâm lý nạn nhân trong tương lai.

Cả trẻ bắt nạt hay bị bắt nạt đều nhận được thông điệp rằng, hãy tự xử lý và bố mẹ tán thành với cách hành xử ấy.

Nếu kết thúc cuộc “nội chiến” bằng kết quả một thắng một thua; sẽ có nguy cơ dẫn tới một vấn đề khác trầm trọng hơn. Hãy cùng trẻ trở thành những người bạn thay vì là đối thủ của nhau.

Nguồn: Canva

7 bước để giải quyết mâu thuẫn

1. Mang đến không gian hòa ái

Hãy mang đến cảm giác người giúp đỡ thay vì người phán xét. Hãy bước vào giữa hai trẻ; chạm vào trẻ để trẻ hiểu rằng bạn ở đây để giúp đỡ.

2. Giữ vai trò trung lập

“Mẹ sẽ giữ món đồ chơi này đến khi mình tìm ra giải pháp cho hai con”. Trẻ học cách trì hoãn nhu cầu và học cách đàm phán

3. Miêu tả những gì bạn thấy

“Con muốn chơi món đồ chơi này, và em cũng vậy. Mẹ thấy cả hai đều muốn!”

4. Ghi nhận cảm xúc của cả hai phía

“Mẹ thấy là hai con đang muốn được chơi món này cùng một lúc”

Bạn có thể giữ tay một trẻ trong khi vẫn lắng nghe và giao tiếp với trẻ còn lại. Đảm bảo răng cả hai trẻ đều cảm thấy được ghi nhận.

5. Giúp trẻ xác định vấn đề thực sự

Thay vì nói vấn đề là ở trẻ, hãy xác định vấn đề đúng. “Vấn đề là chúng ta đang có một món đồ chơi duy nhất và các con đang muốn cùng chơi cùng lúc”. 

Không tập trung vào cơn giận hay bản thân trẻ mà tập trung vào giải pháp. Mục đích của việc này là truyền động lực cho trẻ hướng đến giải quyết vấn đề đang tồn tại.

6. Hướng dẫn quy tắc gia đình

Trẻ nào chơi trước được phép chơi đến khi hết lượt. Trẻ đến sau cần học cách đề nghị lịch sự và trao đổi hoặc học cách chờ đợi đến lượt. Quy tắc đảm bảo giá trị công bằng trong gia đình, không phân biệt vai trò hay thứ tự.

7. Theo sát tình huống

“Mẹ đã thấy con chơi xong rồi! Con đã chơi vui chứ, bây giờ đã tới lượt chơi của em. Con có thể mang và chia sẻ cho em. Hãy cảm ơn em vì đã kiên nhẫn chờ đến lượt”

Mục đích của việc này là xây dựng niềm tin. Bố mẹ là người công bằng và đáng tin cậy. Chúng ta là một gia đình và học cách bên cạnh nhau trong tình yêu thương.

Việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của bố mẹ. Hành trình này sẽ kéo dài đến khi trở thành một phần của văn hóa gia đình. Hãy nắm lấy thử thách này, và bạn sẽ thấy khoảnh khắc anh em giúp đỡ yêu thương nhau là vô giá.

Dịch và tổng hợp từ: Parenting Junkie