Menu
Làm cha mẹ

Kỷ luật tích cực – Bạn mong con thế nào khi trưởng thành ?

Hãy tưởng tượng: con của bạn giờ đã 25 tuổi. Con đang đứng trước cửa nhà cho một chuyến thăm bất ngờ. Bạn có bao giờ tự hỏi ” Hi vọng nhìn thấy gì ở “người con trưởng thành” đứng trước mặt? Những đức tính nào bạn mong con sẽ có khi lớn lên?” Liệu rằng có phương pháp kỷ luật tích cực  nào giúp con trở thành người mà ta mong muốn?

1. Hãy bắt đầu bằng câu hỏi bạn muốn điều gì cho con trẻ?

Đôi khi ta không nhận ra phương pháp đang dùng không mang đến kết quả tốt đẹp. Bạn hãy thử liệt kê hai danh sách song song bên dưới:

  • Những hành vi của con khiến bạn mệt mỏi của “hiện tại”

Khi còn nhỏ có thể là những cơn ăn vạ, mè nheo không dứt. Hoặc việc con không lắng nghe, không hợp tác với bố mẹ. Thậm chí là nói dối, đánh nhau, nghiện game tuổi thiếu niên.

  • Những đức tính ta mong ước trong “tương lai” khi trưởng thành:

Đó là kỷ luật cá nhân, kỹ năng xử lý vấn đề. Mong mỏi con là người hạnh phúc, đầy hoài bão. Yêu thích công việc và ý thức xã hội. Chúng ta hãy hiểu rằng, thử thách là cơ hội để học hỏi cho cả bố mẹ và trẻ. Hãy thử bắt đầu với hành vi “không lắng nghe, không hợp tác của trẻ”.

2. Câu hỏi tiếp theo: “bạn và con học được gì trong tình huống này?”

Khi bố mẹ nói ” con không lắng nghe” có nghĩa là ” con tôi không vâng lời“. Liệu rằng bạn sẽ chọn lựa sự vâng lời trong sợ hãi hay sự hợp tác trong hiểu biết. Có hai trường hợp có thể xảy ra khi trẻ chọn “không vâng lời”

  • Bạn đang giáo huấn suông hoặc ra lệnh dựa trên quyền lực như “làm ngay đi”, “đừng có cãi”
  • Có khả năng bạn chưa thể hiện tấm gương trong việc lắng nghe trẻ. Hãy nhớ rằng, trẻ chỉ lắng nghe khi trẻ cảm thấy được “lắng nghe” thật sự. 

Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang không lắng nghe trẻ?

  • Đưa ra lời khuyên ” con nên làm thế này, thế kia…”
  • Phủ nhận cảm xúc của trẻ ” có thế mà con cũng xoắn?”
  • Giảng giải ” tại sao lại để chuyện đó xảy ra?, đáng lẽ con nên làm thế này…”

Kết quả là, những lời giáo huấn suông sẽ đi vào từ tai này và vụt mất từ tai kia.

Hãy “hỏi” thay vì chỉ “nói”. Nguồn: stockadobe.com

3. Câu trả lời chính là trò chuyện bằng câu hỏi gợi mở.

Bạn có thể tham khảo thêm lợi ích phát triển trí não tuyệt vời trong bài viết trò chuyện cùng trẻ này. Và bây giờ hãy thử tham khảo các câu hỏi gợi mở trong phương pháp kỷ luật tích cực bởi Tiến sĩ Jane Neilsen:

  • Con đang cần ?
  • Con đang cảm thấy thế nào?
  • Con đã học được gì từ điều này?
  • Con nghĩ là ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề?

Cụ thể thay vì ” mặc áo khoác vào” hãy thay thế bằng ” ta có nên mặc để bảo vệ cơ thể khi trời lạnh?”. Hoặc ” đừng có la to” bằng câu hỏi ” con nghĩ làm thế nào để chúng ta trao đổi trên nguyên tắc tôn trọng nhau hơn?”.

Yêu cầu, mệnh lệnh sẽ tạo ra căng thẳng cho cơ thể. Đồng thời khi tín hiệu được gửi đến não, trẻ chỉ muốn phản kháng hoặc từ chối. Trò chuyện gợi mở sẽ tạo ra cảm giác dễ chịu. Lúc này, cơ thể sẽ gửi tín hiệu đến não khuyến khích tìm kiếm câu trả lời. Con của bạn sẽ cảm giác được truyền cảm hứng để hành động.

4. Điều quan trọng nhất là “kết nối” không phải là “sửa đổi”

Con trẻ chỉ thực sự thay đổi khi con cảm thấy an toàn. Con không thể học khi cảm thấy bị đe dọa. Điều này có thể dẫn tới những vấn đề khác như nói dối.

Hãy đề nghị một cái ôm ấm áp. Bằng việc ôm lấy nhau, con trẻ sẽ cảm thấy được tin tưởng, yêu thương và kết nối.

Chuỗi bài viết này có đảm bảo bạn sẽ trở thành bố mẹ hoàn hảo? Không, chắc chắn là “không”!. Sẽ không có một phương pháp nào khiến bạn trở nên vô khuyết. Nhưng chỉ cần chúng ta luôn nhớ rằng mỗi thử thách là cơ hội tuyệt vời để cùng nhau trưởng thành. Ta có thêm cơ hội để trở thành tấm gương cho con.

Để hành trình lớn lên cùng nhau là hành trình trưởng thành và hạnh phúc!

Mẹ của Tây & Jessie