Menu
Làm cha mẹ

Vì sao trẻ nói dối P1? Làm thế nào để con nói thật?

Phát hiện con mình nói dối, bạn lo lắng, hoang mang không biết nên làm gì. Liệu rằng có nên phạt con, đánh đòn hay răn dạy về sự trung thực. Hãy nhớ lại lúc chúng ta còn bé, chúng ta sẽ có câu trả lời. 

Từ nhỏ, mình là đứa mê đọc truyện, cầm gì là đọc đến quên thời gian. Mấy lần, mẹ thấy mình cứ mải mê đọc, lo lắng hỏng mắt mắng cho một trận. Mình thầm nghĩ cứ làm sao đừng để mẹ thấy là được. Nào là trùm kín chăn lén xem trong ánh đèn leo lét. Đôi khi trốn vào góc khuất để không ai nhìn thấy. 

Kết quả là mình cận thật, và cận rất nặng. Dù vậy, mình vẫn sợ không dám thú thật với mẹ. Chuyện cận thị phát hiện là do đứa bạn học chung lớp về mách lại. Ngày mẹ hỏi mình với gương mặt thất vọng, lòng còn trách bạn đi mách nước chuyện người khác. 

“Mình không biết đó là nói dối. Thật sự không hề thoải mái để giấu kín bí mật đó suốt nhiều năm! Nhưng mình không biết phải làm gì, đối diện với nó ra sao”

Nhiều bạn có thể nghĩ: “chuyện nhỏ mà, có gì đâu”. Hoặc “ thế mà cũng giấu”

Thú thật mình sợ bị la hay mẹ nói “đã bảo mà không nghe”. Nên mình chọn lảng tránh xem như vấn đề không tồn tại. Việc này thật ra chưa từng được giải quyết cho đến ngày bị phát hiện. 

Vậy cuối cùng vì sao mình nói dối?

Có phải vì mẹ không yêu thương mình? “Không phải”

Lúc đó mình quá nhỏ để hiểu rằng mẹ yêu quý đôi mắt cho con đến nhường nào. 

Có phải mình sợ vì đã làm sai những gì được hướng dẫn? Chắc chắn là thế”

Nhưng nếu như mình biết rằng, dù làm sai, mẹ sẽ ở đó giúp đỡ thì mình có chọn giữ bí mật ấy trong từng ấy năm không?

stockadobe.com

Câu hỏi đặt ra là khi nào trẻ nói dối? 

1. Chúng ta nói dối vì sợ bị la mắng khi còn nhỏ, hoặc nhận phán xét khi trưởng thành. Ta không cảm thấy an toàn khi nói thật.

Trong trường hợp này, việc cần làm là hãy cho trẻ cảm giác an toàn khi nói thật. Hãy giải thích cho con ý nghĩa của mọi giới hạn, hỗ trợ con thực hiện mọi việc trong an toàn . Truyền tải cho con ý nghĩa của trung thực. Cụ thể như sau:

“Việc đọc sách thật sự rất hấp dẫn, nếu được mẹ sẽ tạo cho một góc đọc sách đủ ánh sáng. Mình có thể xem mỗi ngày 3 giờ, và nếu như mắt con có dấu hiệu mờ và mỏi, hãy báo mẹ biết để mẹ có thể giúp đỡ.

Hãy dành thời gian quan sát con, và đừng khiến trẻ cảm thấy lo sợ nếu lỡ làm sai hay bị phát hiện. Hãy cho con biết bạn ở bên cạnh để giúp bé không phải để trách mắng hay trừng phạt.

2. Chúng ta nói dối vì đã quen với việc nói dối khi còn nhỏ.

Tấm gương đầu tiên và ảnh hưởng lớn trong quá trình trẻ trưởng thành là bố mẹ. Nếu chúng ta thường xuyên không trung thực thì thật khó để dạy trẻ không nói dối. 

Bạn không thể nói với con, xem điện thoại là không tốt nhưng ngày nào cũng ôm điện thoại hàng giờ liền. Bạn cũng không thể nói “mẹ đang ổn” dù bản thân thực sự đang rất cần được giúp đỡ. 

Hãy cho con thấy trung thực là một món quà. “Mẹ thật sự đang buồn, giận và cần được giúp đỡ”. Không có gì là xấu khi thừa nhận chúng ta không hoàn hảo hay cần sự hỗ trợ từ người khác. 

Việc bị nỗi sợ lấn át và cảm giác thiếu an toàn sẽ khiến con trẻ dần trở nên khép mình và mất kết nối với bố mẹ. Sau này, khi con gặp thất bại hay khó khăn, con sẽ chọn tự mình giải quyết trong bế tắc. Hoặc chọn lựa bỏ cuộc, chấp nhận vấn đề tồn tại lâu dài.

Được chấp nhận lắng nghe trong tình yêu vô điều kiện sẽ là bài học đầu tiên của món quà trung thực mà ta có thể dành cho con. 

Mẹ của Tây & Jessie.