Menu
Làm cha mẹ / Hỏi và Đáp

Trẻ 6 tuổi trộm tiền mua kẹo.

Câu hỏi:

Bé nhà em 6 tuổi, hôm qua mẹ phát hiện con lại trộm tiền mua kẹo lần thứ hai. Lần đầu, mẹ không đánh mắng gì cả. Làm thế nào để giúp bé không lặp lại hành vi này nữa. 

Trả lời (*):

Thông thường theo chủ nghĩa hành vi, ta có khuynh hướng sửa chữa hành vi sai trái ngay lập tức. Việc này có tác dụng tức thời nhưng có thể cắt đứt sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con cái. 

Để tránh được nguy cơ này, ta có thể thử áp dụng quy trình sau: Quy trình Hiểu – Thương – Đồng Hành & Làm Gương

  1. Đầu tiên ta cần “hiểu” về tâm lý độ tuổi: 

  • Ở độ tuổi 6, con có thể chưa hiểu được giá trị của tiền. Khi con quan sát bố mẹ dùng tiền để mua thức ăn, thì con dùng tiền để mua kẹo. 
  • Con có thấy an toàn để trung thực với bạn trong mọi tình huống. Hay bạn có bao giờ cảm thấy đã khiến con sợ hãi khi lỡ làm sai trong quá khứ? Việc cấm đoán con ăn kẹo, khiến bé cảm thấy không an toàn để nói thật nhu cầu của mình với bố mẹ?
  • Bạn đã bao giờ làm gương và truyền đạt cho con về ý nghĩa của lao động tạo ra giá trị, sự tôn trọng tài sản của người xung quanh, hay sức mạnh của việc tự chủ với nhu cầu của bản thân. 
  1. Bắt đầu bằng tình “thương” bằng cách thay đổi tâm thế khi nhìn nhận sự việc:

  • Thay vì chúng ta đối diện với nỗi sợ con ăn trộm tiền sẽ thế nào trong tương lai. Ta sẽ học tập để hiểu con và giúp con trong thử thách lần này. 
  • Đồng cảm với con ở lứa tuổi này, kẹo thật sự rất hấp dẫn. Hướng dẫn về thức ăn tốt cho sức khỏe là một hành trình dài và cần sự kiên trì làm gương của bố mẹ. 
  • Việc cấm con ăn kẹo khiến con lựa chọn trộm tiền sẽ giúp được thân mạnh khỏe nhưng ảnh hưởng tâm trí. 
  • Ghi nhận việc con trung thực và thừa nhận hành vi và lên kế hoạch đồng hành cùng con. 

Doodle bad thief character illustration

  1. Làm gương:

  • Tôn trọng và xin phép khi sử dụng đồ của người khác và truyền đạt cho con. Ví dụ: “Bố ơi, mẹ có thể lấy 10 nghìn để chở con đi mua vở không?”
  • Lên kế hoạch chi tiêu, sử dụng tiền theo kế hoạch. Ví dụ: “Mẹ sẽ tiết kiệm số tiền này để mua vở dành tặng con!”
  • Giá trị tự chủ và đáp ứng nhu cầu của bản thân. Ví dụ: “Để đảm bảo sức khỏe của con, mẹ cùng con làm kẹo từ thiên nhiên hoặc chúng ta thỏa thuận số kẹo sẽ mua trong tuần con nhé”
  1. Đồng hành

  • Trong phương pháp kỷ luật tích cực, có 1 ví dụ khá ấn tượng. Thay vì dùng hình phạt đối với học sinh gây ồn và mất tập trung trong lớp, thầy giáo mời em trở thành một phần của lớp học như công việc trợ giảng, soạn giáo án. Như vậy, hãy cho con cơ hội tham gia vào quá trình lao động của gia đình như bán hàng, làm việc tạo ra sản phẩm để giúp con hiểu về giá trị lao động. Đó có thể là cùng con thu gom mua bán phế liệu của gia đình, tham gia và ra quyết định trong quá trình mua sắm, hình thành thói quen tiết kiệm, lập kế hoạch chi tiêu. 
  • Đồng thời cho con không gian thời gian, khơi gợi kim chỉ nam bên trong, đó là lương tâm của mỗi người. Khi còn nhỏ, tôi đã từng được tin tưởng giao quyền sử dụng quỹ chi tiêu cá nhân theo hạn mức. Dù đôi lần tôi cần nhiều hơn thì bản thân vẫn kịp lựa chọn lấy đủ và đúng quy định. Niềm tin của mẹ đã kiến tạo cho tôi một năng lực tự chủ và sự trung thực. Đây là món quà tuyệt vời mà mẹ dành tặng tôi suốt cả cuộc đời. 

Hy vọng bài chia sẻ rõ ràng và hữu ích!

(*) Câu trả lời dựa trên quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, có thể có hoặc không phù hợp và trùng quan điểm về các phương pháp khác.