Menu
Làm cha mẹ

Khi anh đánh em – Món quà bị đánh mất!

“Tại sao con đá vào bụng em? Sao ba nói hoài mà con không nghe. Con là anh hai, con phải thương em, sao lại đánh em! Giờ xin lỗi chưa? Không xin lỗi thì ăn đòn!”

Con xin lỗi ba!”

Lời xin lỗi thốt ra cho qua nhanh cơn thịnh nộ của ba, mặt thằng bé cúi gằm, giấu cái bức bối hậm hực , nghĩ thầm“ Ai biểu lì, nói không nghe” 

Thế là xong, thằng bé đã xin lỗi người lớn. Chuyện kết thúc với niềm tin chuyện này sẽ không xảy ra nữa, nếu nhỡ mà có nữa thì dạy “tiếp” cho nên người. 

Bên trong con lặng tiếng. Con đã không còn cảm thấy áy náy khi làm đau người khác, hay có chút nghĩ suy mình đánh em là đúng hay sai. Thế giới của con, giải pháp là lời xin lỗi từ yêu cầu của bố mẹ. Vậy điều gì đã xảy ra? Liệu chúng ta có cách nào để giúp con, biết rằng điều này là không tốt. Câu trả lời là lương tâm bên trong mỗi người.

Vậy làm thế nào định nghĩa lương tâm?

Nếu bạn tra google, lương tâm được miêu tả ngắn gọn là cảm giác và tiếng nói bên trong dẫn dắt bạn phân biệt đúng sai phải trái trong mỗi hành vi của chính mình. 

Như trong bài nói của Maria Santelli là giám đốc điều hành Trung tâm Lương tâm & Chiến tranh (CCW), sức mạnh của lương tâm là nơi chúng ta lắng nghe giọng nói từ bên trong chính mình. “Bỏ qua hết những yếu tố chính trị, hay áp lực của thế gian, để phản đối chiến tranh hay bạo lực, đơn giản là hãy trở thành một con người có lương tâm dẫn lối ” 

Và mình có thể gọi tên lương tâm lúc nào trong cuộc sống?

Đó là cảm giác áy náy khi gây tổn thương cho người khác, là cảm giác đau lòng khi mình chọn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Là khoảnh khắc, nhìn thấy người ấy bị đau, buồn khổ vì mình, bạn giật mình nhận ra mình không nên làm thế. 

Đó là niềm hân hoan tận sâu trong tâm thức khi dùng lương tâm để hành xử, mang đến tình yêu thương, giá trị cho người xung quanh. 

Như ông bố trong bài phát biểu đã nói “ Xin lỗi cô, con của tôi đang nhìn những gì tôi đang làm, sẽ sao chép những gì tôi nói, và tôi sẽ là hình mẫu mà chúng trở thành trong tương lai”

Quá chú trọng nói lời xin lỗi, bạn đánh mất cơ hội cho con nhận lấy một món quà của tạo hóa ban cho con người. Bạn có nhớ, chỉ khi nhịp đập đầu tiên của tim thai xuất hiện ở tuần thứ 7, thì bạn mới chắc rằng một sinh mệnh đã ở bên mình. Ở góc độ nào đó, mình xin phép tin rằng, tạo hóa ban cho sự sống bắt đầu bằng món quà đầu tiên là trái tim. 

vinmec.com

vinmec.com

Vậy, làm sao để giúp con nhận lấy món quà có sẵn từ thượng đế?

Hãy trở thành tấm gương!

Hãy cho con biết, ba mẹ lắng nghe lương tâm thế nào trong mỗi tình huống xảy ra trong cuộc sống. 

“Mẹ cảm thấy áy náy, lương tâm mẹ đã chịu hình phạt khi mẹ dùng bạo lực với con” “ Mẹ đã thấy đau lòng khi nhìn con bị đau buồn vì những câu nói của mẹ”

“Bố cảm thấy hạnh phúc, khi bố đã dùng lương tâm để làm việc và không thỏa hiệp với sai trái”

Hãy dừng lại, chăm sóc vết thương cho đứa trẻ bị đánh, nhưng đồng thời hãy cho đứa trẻ “đánh em” có thời gian lắng nghe tâm mình. Đứa trẻ đánh em là đứa trẻ cũng đang tổn thương “tâm” mà chúng ta khó có thể nhìn thấy. 

Đứa trẻ ấy, đã không biết con còn có lựa chọn khác ngoài đánh em. Con sẽ không đánh em vì  trách nhiệm làm anh, mà từ trong tâm con, có một sức mạnh níu giữ con không làm thế. Đừng đánh con vì đánh em, vì suy cho cùng đó cũng là bạo lực.

Cuối cùng thì, con sẽ nhìn bạn làm thay vì nghe bạn nói.

Mẹ của Tây & Jessie