Một ví dụ khiến mình ấn tượng trong phương pháp kỷ luật tích cực là cái “ôm” kết nối. Một ông bố với mong muốn giúp đỡ cậu con trai 4 tuổi vượt qua cơn giận dữ (tantrum) đã đến tìm lời khuyên từ tiến sĩ Bob Bradury. Và câu trả lời mà ông nhận được là hãy ôm lấy con.
Dù có chút lo lắng, ông vẫn chấp nhận thử một lần. Trong cơn tantrum kế tiếp của con trai, ông nói:
“Ba muốn ôm con!”
“Cái gì bố?”, đứa trẻ cố nói trong tiếng nấc.
“Ba muốn ôm con”, người bố lặp lại lần nữa
“Lúc này sao?” đứa trẻ nức nở và như không tin vào tai mình.
“Vâng, ngay bây giờ con trai ạ!”
“Hic, được thôi bố” rồi miễn cưỡng ôm. Thật kỳ lạ, sau vài giây con bắt đầu bình tĩnh trong vòng tay ông.
“Cám ơn con! Đây là tất cả những gì bố cần.”
Đứa trẻ cư xử không đúng mực có thể là đứa trẻ thất vọng, mong muốn nhận được sự đồng cảm và yêu thương từ bố mẹ. Sự khuyến khích và thấu hiểu có thể giúp con thay đổi cảm xúc của não bộ, lan tỏa hoóc môn oxytocin – hoóc môn của tình yêu và hạnh phúc.
Trẻ không thể học khi cảm thấy sợ hãi vì bị bỏ mặc. Bằng cách ôm lấy nhau, đứa trẻ thấy mình được yêu thương trọn vẹn và vô điều kiện. Dù con đang cư xử thế nào, bố mẹ vẫn không bỏ rơi hay trừng phạt con. Bố mẹ chọn hiện diện ở đó, cùng con và chờ đợi một cái ôm ấm áp.
Khi chọn ôm lấy con, bạn đã truyền cho con một thông điệp rõ ràng:
- Bố mẹ yêu con vô điều kiện dù con có hành xử thế nào
- Bố mẹ hiện diện ở đây và đồng hành cùng con
- Bố mẹ luôn sẵn lòng giúp đỡ với một cái ôm ấm áp.
- Bố mẹ tin rằng ai cũng có sai lầm, cần được tha thứ và tìm ra giải pháp..
Ôm nhau là phương thuốc miễn phí và không có hại so với các phương pháp trừng phạt thông thường. Con trẻ sẽ không thể vì cái ôm của bạn mà tổn thương thể xác hay tinh thần. Bạn sẽ bất ngờ khi cái ôm sẽ giúp ta giảm căng thẳng, giảm đau và xua tan nỗi sợ hãi. Đặc biệt cái ôm giúp ta xóa bỏ khoảng cách với con cái, bạn đời.
Văn hoá gia đình có thể khiến bạn cảm thấy thật khó khăn để ôm ấp một ai đó. Bản thân mình khi nhỏ đã từng dùng lý do để ôm lấy mẹ. Đó có thể là kiểm tra xem sức mạnh nhấc bổng mẹ chưa hay là những cái chạm nhẹ. Đến khi lập gia đình, cái ôm là cầu nối hàn gắn những trận cãi vã hờn ghen bên nhau.
Hết sức bình thường khi đôi lúc thấy mình làm thật tốt, có khi không ổn tí nào. Hãy nhìn những khó khăn là cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
Sẽ thật tuyệt vời khi nghe một người lớn nói với trẻ rằng “Con bị mắc lỗi à! Thú vị ấy, thế chúng ta có thể học được gì từ điều này nhỉ? Hãy luôn nhớ rằng “chúng ta” là bao gồm trẻ và bố mẹ, là một gia đình.
Hơn một năm thực hành ôm con, con đã phản chiếu lại hình ảnh của bố mẹ khiến mình bất ngờ. Có những khoảnh khắc con chủ động bảo mình “hãy ôm và giúp con bình tĩnh”. Và trong đêm khi mình buồn bã, anh ấy choàng vai ôm lấy mẹ và bảo rằng “không sao đâu mẹ“.
Hãy thử một lần này, khi con cáu giận, khóc lóc, hãy đề nghị một cái ôm, Có thể bạn sẽ bất ngờ đấy! Và đừng quên ôm lấy người bạn đời nữa nhé, vì người ấy cũng là một đứa trẻ trưởng thành thích được yêu thương.
Đã bao lâu rồi bạn quên “ôm” lấy con mình! Chúc mừng bạn nếu chỉ mới là sáng nay!