Menu
Sống tỉnh thức

Tính “nóng” có “nguội” được không?

Ai quen mình cũng nói mình nóng tính, và nhỏ bạn thân còn nói mình “dữ” nhất trong số bạn mà nhỏ quen. Trước giờ, mình chấp nhận, đôi lúc còn tự hào vì cho rằng dữ nghĩa là không bao giờ “thua thiệt”. Ví dụ như lần bạn mình bị ức hiếp và vu oan lấy cắp, mình nhất quyết tranh cãi đến cùng dù bị hù dọa chứ không chấp nhận đền cho qua chuyện. Lên máy bay một câu nói mỉa mai không đúng sự thật, mình cũng quậy um lên bất cần rồi nổi quạu với cả anh chồng vì dám để cho mình tranh đấu một mình.

Có con, tưởng rằng sự dữ dằn là cá tính không thể thay đổi nhưng những lúc lớn tiếng với con rồi đêm nhìn con ngủ thấy lòng áy náy, xót xa. Khi học nghề làm bố mẹ mới biết đó là tiếng nói của lương tâm. À, thì ra đằng sau cái dữ ấy của mình là sự bất lực, giống như cái nồi nước trên bếp lò được đun mà không biết làm sao tắt bếp.

stockadobe.com

Sau này gặp lại nhiều người nói mình: không tưởng tượng được người mà có thể lớn tiếng với bất kỳ ai, làm việc bất chấp lại trở nên nhẹ nhàng với con như vậy và trở thành người mẹ của gia đình. Thật ra mình không hoàn hảo đến thế, lúc bất lực mình cũng có lớn tiếng với con dù số lần không nhiều, cũng có khi mệt mỏi mình hay đùa ước gì được nghỉ phép chút thôi để được xem một quyển sách mà không phải nhăn nhó.

Nên mỗi khi cái “bếp lò” trong mình sục sôi, mình sẽ nhờ sự trợ giúp từ chồng. Hoặc mình chọn đối diện với con, chia sẻ bản thân đang giận. Nhận diện cơn giận là bước đầu tiên giúp mình chuyển hóa cơn giận và trở nên bình tĩnh trong những tình huống khó khăn nhất.

Mỗi khi sai với con, khi cơn giận đã được nhìn nhận, mình đều ngồi xuống, ngang tầm mắt và ôm chặt con vào lòng. Mình chọn nhận lỗi với con, thừa nhận chưa hiểu con đang cần gì. Mình chọn lắng nghe tiếng nói của lương tâm và từng bước học hỏi gia tăng năng lực làm cha mẹ của bản thân.

Có con là cơ hội tuyệt vời để mỗi ngày tìm thấy và hoàn thiện chính mình.

Nếu mình có thể “giảm lửa, tắt bếp ? ”, thì bạn cũng thế!

Mẹ của Tây & Jessie