Menu
Làm cha mẹ

Mẹ xin lỗi con, làm thế nào để nói?

“Tại sao con lại vứt rác xuống tầng? ”

“Con có thấy thùng rác bên cạnh không”

Đáp lại giọng cao vút của mẹ, ánh mắt khó chịu là sự im lặng, cúi mặt của con, không có tiếng trả lời. Mới vừa nãy thôi, con bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng mẹ quay lưng con lại thả ngay chiếc túi nilon khác xuống tầng dưới. Bỗng dưng, bạn giật mình, chợt nhận ra mình đã lớn tiếng với con.

Một tiếng nói khác trong lòng tự vấn lương tâm, có phải mình đã quá chú trọng sửa hành vi của con mà quên mất tìm hiểu con đang nghĩ gì? Tự hỏi có phải mình mải lo sợ ánh nhìn, đánh giá của người xung quanh về dạy con mà quên mất kết nối đến tấm trí của con? Liệu mình có thể hiểu động cơ đằng sau hành động ấy?

Mình có thể chọn không xin lỗi con, vì không một ai biết hay phán xét. Nhưng lương tâm mình biết là sai. Nên mình đã chọn dũng cảm chân thật với chính mình, dũng cảm nhận lỗi với con.

Nếu bạn đã từng đối diện tình huống như mình, thì hẳn bạn đang không biết phải bắt đầu xin lỗi từ đâu. Và sau đây là 4 bước hiệu quả mà mình đã thực hiện:

Bước 1: Hãy đảm bảo một lời xin lỗi chân thành, vô điều kiện:

Lời xin lỗi chân thành sẽ tập trung vào trách nhiệm của chúng ta – không phải của con. Đó có thể là câu nhận lỗi “ Mẹ đã sai vì lớn tiếng, mẹ xin lỗi con”.

Hãy đảm bảo rằng chúng ta sẽ không trốn chạy lỗi sai của mình hay đổ lỗi buộc tội con. Một lời xin lỗi chân thành sẽ không nói “ mẹ xin lỗi, nhưng nếu như con không làm thế này… … thì mẹ đã không làm thế kia.”

Bước 2: Khiêm nhường để nhận được sự thấu hiểu và tha thứ từ con:

Hãy cho bản thân cơ hội luyện tập sự khiêm nhường và cho con biết bạn mong nhận được sự thấu hiểu và tha thứ từ con nhiều thế nào.

Hãy cho con biết bạn hiểu con đã buồn, thất vọng và sợ hãi ra sao khi mẹ đã làm sai.

Bước 3: Tìm hiểu sự hợp lý trong hành vi của con, lý do đằng sau hành vi ấy:

Việc tìm hiểu sự hợp lý trong mỗi hành vi của con là hết sức cần thiết. Hãy giải thích cho con hiểu tại sao việc con làm dù hợp lý với con nhưng có thể ảnh hưởng tiêu cực người khác.

Bước 4: Đảm bảo cụ thể hóa hành động tiếp theo để lỗi sai không lặp lại: 

Đây là việc cần làm cho lời xin lỗi và sự tha thứ thật sự có giá trị. Nếu chúng ta tiếp tục lặp lại lỗi lầm cũ thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. Thời gian sẽ chứng minh sự thay đổi từ bố mẹ và con sẽ học được gì từ bạn từ tình huống ngày hôm nay.

Freepik.com

Và đây là lời xin lỗi mà bạn có thể tham khảo:

“ Mẹ xin lỗi vì mẹ đã lớn tiếng và làm con sợ hãi. Mẹ đã cảm thấy tức giận khi con ném rác xuống tầng dưới, vì điều này có thể làm người khác bị thương. Con có thể tha thứ khi mẹ đã chọn lựa sai khi lớn tiếng cùng con được không?

Giờ con có thể cho mẹ biết vì sao con đã chọn bỏ rác vào thùng trước đó và giờ con lại ném một mảnh khác, được không? Giờ thì mẹ sẽ cùng con đi nhặt lại rác đã vứt, con nhé”

Và bạn biết không, khi con được đồng cảm và cảm thấy an toàn, lý do được tiết lộ hết sức đơn giản và đáng yêu:

“Vì con muốn thử nghiệm làm dù lượn trên cao”

Nếu mình chỉ chọn la mắng thì con sẽ nghĩ làm sai mà không ai thấy thì không sao, và có quyền lớn tiếng và làm người khác tổn thương chỉ vì người ấy có hành vi chưa đúng.

Nếu mình không chân thật chậm lại quan sát cơn giận của bản thân, mình đã đánh mất cơ hội hướng dẫn cho con hành vi đúng, hướng dẫn cho con cơ hội chịu trách nhiệm.

Hãy giúp con sửa chữa hành vi sai trái trên nền tảng nhận thức hành vi chưa đúng thay vì bằng phương pháp la mắng, đòn roi, dọa nạt.

Nếu mình không tìm hiểu lý do đằng sau hành vi ấy, mình đã đánh mất cơ hội hiểu con muốn gì và cùng con chế tạo dù lượn tại nhà hết sức vui vẻ và hạnh phúc.

Hy vọng rằng chúng ta những ông bố bà mẹ, sau khi thực hành những bước trên sẽ cảm nhận được niềm vui từ tâm mình, niềm vui của sự thông tuệ , sáng suốt và đầy yêu thương.

Mẹ của Tây & Jessie