Menu
Sống tỉnh thức

Nghe và nói trong hay biết và tỉnh thức.

“Aaaaaaaa!, aaaaaaaa!!!!”

Đôi vai người mẹ trẻ run lên bần bật, nước mắt giàn giụa, hai tay cô ghì chặt lấy đôi tay bé bỏng. Trên ghế nha, bố ôm siết đứa trẻ đang vùng vẫy.

5 phút, 10 phút, rồi 15 phút, cuối cùng việc điều trị cũng hoàn thành.

Cô bác sĩ mồ hôi nhễ nhại, dặn dò mẹ ngày tái khám. Người mẹ rụt rè hỏi:

Mẹ:  “Em chăm sóc răng con từ khi còn nhỏ, bé lại không ăn bánh ăn kẹo, vậy do đâu mà con bị sâu răng bác ơi?”

Bác sĩ: “Nhà em có ai bị sâu răng không?”

Mẹ: “Dạ có, là mẹ ạ”

Bác sĩ: “Bé có bú đêm không?”

Mẹ: “Dạ bé bú mẹ trực tiếp ạ”

Bác sĩ: “Men răng của bé không tốt lắm, mầm răng sữa hình thành từ tuần 22 thai kỳ, còn có yếu tố di truyền nữa mẹ ơi”. “Dinh dưỡng thai kỳ mẹ thế nào?”

Mẹ: “Dạ mẹ có nguy cơ suy dinh dưỡng, ăn uống không được ạ!”

Bác sĩ: “Thế này nhé mẹ, việc sâu răng nó có nhiều nguyên nhân lắm: do di truyền, do dinh dưỡng thai kỳ, do chăm sóc, do thói quen ăn uống và thức ăn, mình chỉ có thể dự đoán nhưng không biết chính xác được”

Dù đã được giải thích, người mẹ vẫn không sao thoát khỏi cảm giác tội lỗi và dằn vặt vì những chiếc răng sâu. Cơ bản thì, lúc nào khi con ốm đau, hay gặp vấn đề, người mang nặng đẻ đau luôn nghĩ lỗi ở mình. Hơn ai hết cô biết rõ tầm quan trọng của bộ răng khỏe mạnh, cô đã và đang chăm sóc từ khi chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện.

“Sao mà sún răng hết thế, ăn kẹo dữ lắm phải không?” 

“Do mấy đứa không biết chăm, mẹ chăm bao nhiêu đứa có đứa nào bị sâu răng đâu!”

“Em chăm bị sai rồi, đã bảo đừng cho bú đêm mà không nghe”

“Răng sữa thôi mà làm gì mà quan trọng thế?”

Người mẹ trong câu chuyện trên là mình, và đứa trẻ của mình. Mình dùng gạc vệ sinh khi con chưa ăn dặm, 9 tháng răng vừa hình thành đã hỏng dần nhưng quá nhỏ để điều trị. 22 tháng, khi con chưa biết gì đã phải lên ghế nha để lấy tủy và trám răng sâu. Có bé phải gây mê khi sâu toàn bộ, có bé tổn thương ít thì can thiệp thông thường.

Mình đã gặp bao nhiêu bà mẹ vừa nhìn con chữa răng vừa khóc. Có bé ăn kẹo, có bé không. Có bé bú bình, có bé không. Nhưng nỗi đau thì mẹ nào cũng có. Bạn không hiểu được một câu kết luận vội vã, một câu hỏi thăm bông đùa có thể xát muối vào lòng người mẹ trẻ.

Mình đã đến bệnh viện hơn 10 lần, mỗi lần đều đối mặt với cảm giác này. Mình cũng không biết đã sai ở đâu hay đơn thuần là di truyền từ mẹ. Dù lý do là gì đi nữa, câu chuyện cũng chỉ có một thông điệp duy nhất.

ĐÓ LÀ SỰ ĐỒNG CẢM TỪ TRÁI TIM.

Hãy nhìn bằng mắt của người khác

Hãy nghe bằng tai của người khác

Hãy cảm nhận bằng trái tim của người khác.

Mình không biết người ấy đã trải qua những khó khăn hay nỗi đau nào. Và có thể đã không kết nối đủ lâu để biết những gì được thấy là kết quả của những điều gì. Có thể người mẹ ấy đã trải qua sai lầm, hoặc đã đặt rất nhiều nỗ lực nhưng thất bại.

Chuyện cái răng không chỉ là chuyện của cái răng, mà là chuyện của những điều gì đó sâu sắc hơn nhiều.

Đó là nghe trong hay biết. Liệu có nỗi buồn, tổn thương hoặc tiềm thức nào được đưa vào trong lời nói và tự mình chuyển hóa thành nỗi đau. Hay tồn tại nỗi sợ cái tôi bị phán xét, chê trách dù lời nói vô ý.

Có phải mình đã làm mẹ không đủ tốt?

Có phải người ấy đang chê trách không?

Có phải mình đang cho phép mình nghĩ người ấy tấn công mình?

Mình đã chọn lựa phản ứng gì? Mình có khó chịu hay đau khổ vì nó?

Đó là nói trong hay biết. Liệu ta có đủ suy xét và tỉnh thức khi mở lời đến người nghe. Ta có đủ lắng nghe để nói trong tỉnh thức. Thông điệp ta trao truyền có khiến người nghe bị tổn thương. Ta có nói điều này trong yêu thương hay tức giận.

Có phải mình đang mong cầu sửa lỗi người khác?

Liệu lời mình nói có thể gây tổn thương đến họ?

Mình có đang phán xét khi nói lên điều này?

Liệu người nghe có cần giải pháp từ mình?

Nhu cầu của người nghe là gì?

Lời nói không chỉ thay đổi tư duy của con trẻ, mà cũng có thể tác động đến người trưởng thành. Nói và nghe trong hay biết không phải là điều không thể, nếu ta xem trọng và lựa chọn chú tâm vào nó.

Hãy trao tặng nhau một món quà, nghe và nói trong hay biết.

Trinh Trương,

Và bạn có thể trao tặng con món quà qua bài viết: Lắng nghe con trẻ, làm sao để kết nối hiệu quả?