Menu
Làm cha mẹ

Kỷ luật tích cực – Làm sao vẫn tử tế và kiên định với trẻ?

Trẻ con thường chơi theo ý thích cá nhân. Vẽ lên tường đôi khi đặc biệt thích thú hơn tờ giấy bé nhỏ. Bạn chọn nổi giận, cấm đoán hay tự do không giới hạn? Có cách nào vẫn kiên định nhưng đủ tử tế và kết nối với con? Có không phương pháp kỷ luật tích cực để con tự do sáng tạo trong khuôn khổ của chính mình?

Các nhóm bố mẹ phản ứng khác nhau thế nào với hành vi này của trẻ?

Một số cha mẹ chọn thỏa hiệp để con thỏa sức sáng tạo. Họ luôn chấp nhận con vẽ bất kỳ nơi đâu. Việc này có thể khiến trẻ tự do quá mức , ảnh hưởng đến người khác. Số khác nghiêm khắc cấm đoán thậm chí trừng phạt nếu vẽ sai nơi quy định. Đó có thể là đánh đòn, dọa nạt, thậm chí dùng quyền lực tước bỏ nhu cầu. Nhóm khác thì không nhất quán, bắt đầu bằng sự thỏa hiệp và kết thúc bằng nghiêm trị.

Cả ba kiểu cha mẹ phản ứng đều có tác hại lâu dài như được đề cập ở phần 2. Vậy ta làm thế nào mà vẫn tử tế và kiên định? Có cách nào không quá độc đoán mà vẫn đảm bảo giới hạn không ảnh hưởng xấu đến người xung quanh?

Hãy thử những gợi ý trong phương pháp Kỷ Luật Tích Cực – Tiến sĩ Jane Nelsen
  1. Ghi nhận cảm xúc của trẻ: ” Có phải con rất thích vẽ không? Vì sao con thích vẽ lên tường hơn trên giấy?” Bạn sẽ bất ngờ với lý do của trẻ. “Vì vẽ lên tường thì rộng lớn”. “Vì con muốn thấy tác phẩm của mình ở mọi nơi”
  2. Thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu: “Mẹ hiểu là con thích vẽ trên cái gì thật to đúng không? Tường nhà mình thì ba mẹ không thấy phiền nhưng nhà cô chú thì có thể.”
  3. Hướng con nghĩ đến giải pháp: “Con nghĩ xem mình có cách nào để vẽ thật thoải mái và không ảnh hưởng đến người xung quanh không?”
  4. Đưa ra định hướng mới phù hợp với nhu cầu của trẻ “Mẹ nghĩ đến việc sẽ sơn lại bức tường nhà mình, hoặc ghép lại những mảnh giấy nhỏ thành mảnh thật to, con nghĩ thế nào?”

Cụ thể thay vì cấm đoán hay để trẻ vẽ bất kỳ nơi đâu, ta sẽ chuẩn bị cho con một khoảng tường đủ lớn, hay một sàn vẽ thật rộng. Ghép ảnh nhỏ cũng là một gợi ý thú vị. Hay cả một bộ sưu tập tranh hoặc phòng trưng bày tác phẩm. Trẻ sẽ cảm thấy việc vẽ của mình được trân trọng và đánh giá cao từ bố mẹ.

Những gợi ý trên vẫn nhằm giúp trẻ cảm thấy được đồng cảm, lắng nghe nhu cầu, đồng thời giúp trẻ xác định rõ giới hạn. Tuy nhiên lưu ý rằng, chúng ta không thể giải quyết vấn đề khi cả hai đều trong trạng thái sắp ” nổ tung” vì cáu giận.

Vậy thời điểm nào là thích hợp để “cùng nhau” giải quyết vấn đề?

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta cố gắng ” sửa chữa” hành vi của con ngay lập tức mà đằng sau đó là những nỗi sợ:

  1. Sợ rằng con sẽ trở nên bất trị như vậy trong tương lai.
  2. Sợ rằng không chỉnh sửa con sẽ không phải là một bố mẹ tốt.
  3. Sợ đánh giá và phán xét của người xung quanh về khả năng nuôi dạy trẻ.

stockadobe.com

Tuy nhiên theo một khám phá khoa học đáng chú ý, vùng não bộ chuyên cấu tạo, hình thành ý tưởng và ngôn ngữ, điều hòa cảm xúc của con người – Prefrontal cortex – chỉ phát triển hoàn toàn khi ta đủ 25 tuổi. Vâng, đứa trẻ 5, 10 hay 20 tuổi vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện cảm xúc.

Thật kỳ lạ khi bố mẹ luôn tưởng rằng trẻ sẽ trở nên tốt hơn sau tất cả việc ta khiến trẻ cảm thấy tồi tệ. Sự thật là trẻ sẽ làm mọi việc tốt hơn khi trẻ cảm thấy tốt hơn. Đó là cảm giác an toàn và được thừa nhận. Hãy cho bản thân thời gian để “hạ nhiệt” và cũng là cho con cơ hội nhìn thấy tấm gương của bố mẹ trong việc chuyển hóa cảm xúc, giữ bình tĩnh.

Vậy giúp trẻ cảm thấy tốt hơn sẽ mang lại điều gì cho trẻ khi trưởng thành?

Giúp đỡ để trẻ cảm thấy tốt hơn không đồng nghĩa với việc bao bọc, sửa đổi hoặc bỏ mặc. Điều này có nghĩa là giúp trẻ cảm thấy được đồng cảm. Đôi khi đơn giản là cho phép trẻ chấp nhận cảm xúc của chính mình: vui vẻ, hài lòng, thất bại hay bất như ý. Qua đó, trẻ học được cách “sống sót” qua những giai đoạn lên xuống của cuộc đời. Học cách đi qua nó là điều mà đến giờ mình dù đã là mẹ, mình vẫn sai lầm và học cách sửa đổi mỗi ngày.

Bài viết không đảm bảo rằng bạn sẽ không còn nổi cáu nữa! Trừ khi chúng ta luyện tập và chuyển hóa cảm xúc. Là bố mẹ, ta không thể trao cho con những điều mà ta chưa có.

Mẹ của Tây & Jessie