Menu
Làm cha mẹ

Trẻ nói dối, từ chân thiện đến chối – dối – gian – xảo – quyệt.

Trong phần 1, chúng ta đã tìm hiểu vì sao trẻ nói dối, thì ở phần này ta sẽ tìm hiểu chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo? Theo Th.S Tâm lý – Lê Nhất Phương Hồng, việc bị phủ nhận trừng phạt và cảm giác thiếu tin tưởng sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Đó là nguy cơ biến trẻ từ đứa trẻ Chân Thiên Mỹ trở thành Chối – Dối – Gian – Xảo – Quyệt.

Vậy thế nào là Chối – Dối – Gian – Xảo – Quyệt?

Hãy tưởng tượng tình huống này. Hai anh em cùng xem điện thoại bố thì rơi “xoảng”, màn hình điện thoại vỡ nát. Theo phản xạ quen thuộc, ta sẽ đưa ra câu hỏi “ ai làm rơi vỡ điện thoại hả?”. Có thể đi cùng là ánh mắt giận dữ, hoặc tông giọng cao vút.

Mức độ 1 – Chối: cả hai đều sợ bị mắng, cùng im lặng hoặc lấm lét trả lời “Không phải con”. Nếu chúng ta tiếp tục dồn ép “ Không phải hai đứa thì ai hả?” . Thì chuyển sang “dối”.

Mức độ 2 – Dối: “Em làm đó mẹ”. Nếu ta tiếp tục không tin “ Sao là em làm, nãy rõ ràng con đang cầm mà” . Thì con sẽ chuyển sang “gian.”

Mức độ 3 – Gian: vì không có cơ hội nói thật, sau này bé sẽ sắp xếp sao cho hợp lý lời nói dối. Tránh xa khu vực mắc lỗi, bày trí để gây sự hiểu nhầm cho người khác. “ Con đến xem thôi mà”
Nếu vẫn chưa được tin, sẽ chuyển sang bước “xảo”.

Mức độ 4 – Xảo: nếu đến mức độ này, sau khi bày trí có thể đi kèm việc mách nước cho người khác nhận tội thay mình. Mức độ cuối cùng sẽ xảy ra khi đứa trẻ không còn niềm tin vào sự trung thực. Trẻ chuyển sang bước “quyệt”.

Mức độ 5 – Quyệt: một đứa trẻ khi bị tổn thương nhiều, mất hết niềm tin vào sự trung thực, sẽ trở nên quyệt. Vui sướng khi thấy người khác cũng phải chịu khổ như mình, hoặc vì mình mà khổ.

stockadobe.com

Bạn có thể thấy dấu hiệu Chối – Dối – Gian – Xảo – Quyệt ở đâu?

Chúng ta đã quá quen thuộc với phim tranh đấu, đến mức nhìn nhận xảo quyệt trở nên bình thường. Nhưng khi nghe người em thú nhận: “cảm thấy hả hê khi nhìn đứa trẻ khác bị đánh”, liệu chúng ta có giật mình.

Một đứa trẻ thường xuyên cảm thấy mất an toàn và sợ hãi khi nói thật, sẽ trở thành đứa trẻ chối dối gian. Rồi đứa trẻ mà bạn gặp trước mắt, có thể hoàn toàn khác khi bạn không ở đó.

Như bài chia sẻ trong Phần 1, khi không có được đồng cảm khi nói thật, đứa trẻ sẽ sống trong lo sợ. Và có thể hình thành một con người khác. Ngoài ra nói dối còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nó có thể là tiền đề cho nhiều vấn nạn sau này của xã hội.

Ta có thể làm gì để giúp con không trở nên chối – dối – gian – xảo – quyệt?

Hãy cho con cảm giác an toàn, không đi kèm trừng phạt nếu nói thật. Sau đây là các bước mà bạn có thể tham khảo:

Bước 1: Cho con và bố mẹ thời gian.

Chậm lại, quan sát và cho con thời gian lắng nghe lương tâm cho hành vi sai trái của mình. Đồng thời cho chính bố mẹ thời gian bình tĩnh trước sự việc.

Bước 2: Miêu tả sự việc và khen ngợi sự trung thực.

Hãy mô tả sự việc thay vì gắn nhãn. Cụ thể như sau: “Mẹ thấy điện thoại đã bị vỡ”. Thay vì “con đã làm vỡ điện thoại đúng không?”.

Trân trọng sự trung thực của bé “ Cảm ơn con đã nói thật và nhận lỗi”.

Bước 3: Thể hiện sự đồng cảm, hướng dẫn con lắng nghe tiếng nói bên trong

Gọi tên cảm xúc của trẻ: “Có phải con đang sợ vì làm vỡ điện thoại của bố đúng không?”. “Có phải con cảm thấy có lỗi? Con đang áy náy vì lỡ làm rơi vỡ điện thoại bố?”

Bước 4: Hướng dẫn con nhận lỗi và đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả.

Thay vì trừng phạt, hãy cùng con suy nghĩ để giải quyết vấn đề. “Mình sẽ nhận lỗi với bố, sau đó cùng mang đi sửa nào”

Ai trong chúng ta chưa từng nói dối, vì nhiều lý do. Nhưng khi được nói thật, thì trút được “gánh nặng” trong lòng. Chậm lại một chút, nhận thấy “lý do con nói dối” sẽ giúp ta chọn đúng cách phản hồi với con.