Chắc chắn bị bắt nạt hay cô lập là cảm giác chẳng hề dễ chịu đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Developmental and Behavioural Pediatrics, có gần 90% học sinh (HS) từ lớp 3 đến lớp 6 tại Mỹ từng ít nhất một lần bị bạn học bắt nạt, ức hiếp. Ngoài ra, 59% HS thừa nhận đã từng có hành động bắt nạt bạn khác.
Rất có thể bạn sẽ thấy tức giận với những đứa trẻ quá quắt này. Tệ hơn nữa, bạn không biết nên dạy con thế nào, mặc kệ trốn tránh hay trả đũa? Hoặc lúc nào đó, trăn trở đâu là lý do thật sự đằng sau hành vi mỗi đứa trẻ. Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện có thật, bắt đầu bằng đồng cảm, yêu thương và kết nối.
Kiên 5 tuổi, lớn lên trong tình yêu thương trọn vẹn của gia đình. Kiên hòa đồng, tốt bụng. Với em, cuộc sống thật vui, nếu có bạn chơi cùng hẳn là rất thú vị.
Lần đầu, Kiên đến chơi chung, em bị đuổi về. Không bỏ cuộc, Kiên tiến đến gần, lần này em bị đánh. Chạy đến ôm mẹ, Kiên khóc thật nhiều. Dẫn con về trong lặng lẽ, lòng mẹ Kiên ngổn ngang. Chị biết có thể chọn lựa, cấm hẳn con ở nhà. Việc này, giúp con tránh tổn thương, bị cô lập và bắt nạt. Hoặc, bảo với em rằng “Nếu anh đã xấu như vậy, đừng chơi chung nữa, mẹ sẽ dẫn con đi tìm người tốt hơn”. Hay có lựa chọn khác, bước đến can thiệp đề nghị một suất chơi chung.
Nhìn con thui thủi một mình, biết rằng Kiên cần bạn. Mẹ Kiên chọn cách khác, làm bạn với nhóm trẻ đã bắt nạt và cô lập con mình. Chị hiểu, những đứa trẻ toàn quyền làm chủ cuộc chơi, điều có thể không tồn tại trong gia đình. Ở ngoài sân chơi, các em là chính mình, làm điều em thích hay từ chối người em không quen.
Mất vài ngày để bắt đầu một tình bạn mới. Khi mẹ Kiên trở thành người bạn lớn, hiển nhiên Kiên cũng trở thành thành viên nòng cốt. Mẹ Kiên có lo lắng không khi các bạn thô lỗ cộc cằn, hay đánh nhau thậm chí nói bậy? Có chứ. Làm gì có người mẹ nào không lo. Nhưng mẹ Kiên biết, mỗi đứa trẻ đều chứa đựng điều chân thiện ở bên trong.
Từ khi trở thành bạn của nhau, chị phát hiện ra các em cũng là trẻ nhỏ, cũng đáng yêu và thích được trân trọng. Kiên không tiêm nhiễm thói hư tật xấu, Kiên chỉ tận hưởng tình bạn và cười nắc nè mỗi khi nhìn các anh chị vui đùa. Mẹ Kiên xác định sẽ đồng hành, để Kiên vừa có được tình bạn, vừa chuyển hóa các em bé khác. Giống như, khi anh em đánh nhau, thay vì tách biệt hai con, hãy trở thành cầu nối đưa các bé đến gần.
Câu chuyện tương tự như chuyện Tiểu Xuân bắt nạt trong tác phẩm Giáo Dục Tuyệt Vời Nhất = Đơn Giản Nhất của tác giả Doãn Kiến Lợi. Cô đã mang đến cho Tiểu Xuân một thế giới mới, một người tin tưởng vào em và sau mỗi lần gặp, em điều mang về niềm vui của riêng mình.
Cuối cùng khi đối diện với mỗi tình huống, hãy bắt đầu bằng sự kết nối và câu hỏi này:
“Tôi có thể bắt đầu bằng sự đồng cảm và thấu hiểu hay không?”
Biết đâu, bạn sẽ tìm thấy một món quà, không chỉ cho con mà cho cả chính mình.