Menu
Làm cha mẹ

Thời kỳ trăng mật và tâm lý theo độ tuổi của trẻ.

Nhiều người nói rằng trẻ đáng yêu nhất là khi còn bế bồng. Lúc ấy con như thiên thần, làm gì cũng khiến bạn tan chảy.  Nhưng thời kỳ trăng mật này không kéo dài lâu. Trẻ bắt đầu xây dựng cái tôi, nói không làm ngược. Bạn rơi vào bối rối, chuyện gì đã xảy ra thế này? Đứa trẻ tuyệt vời có lúc như “trốn” mất, thay vào đó là một đứa bé giận dữ, ăn vạ, khóc nhè không thôi.

Mình không nhớ rõ, năm bao nhiêu tuổi hay bị mắng, còn được trách là hay cãi cùn và khóc nhè. Lúc ấy chẳng thể hiểu người lớn bị làm sao, trong khi người lớn không thể hiểu đứa trẻ là mình bị thế nào? Đến khi được học về Tâm lý theo độ tuổi, mới hiểu thêm về đứa trẻ ngày xưa, và con trẻ của hiện tại. Sự phân chia chỉ mang tính chất tương đối, sẽ có sự khác biệt đôi chút về độ tuổi, mức độ thể hiện theo cá tính của từng trẻ.

Từ 0 – 2 tuổi: trẻ sống theo bản năng, đói sẽ đòi ăn, no thì dừng.

Giai đoạn này chúng ta cần tôn trọng bản năng của trẻ. Trách nhiệm của bố mẹ hãy chuẩn bị thức ăn, trẻ sẽ là người được quyết định ăn gì và ăn bao nhiêu.

Cụ thể tập trung cung cấp cho trẻ sự an toàn và yêu thương. Hãy để trẻ lớn lên bằng những cái ôm ấm áp của mẹ, bàn tay vững chãi của ba. Bao bọc trẻ bằng tổ ấm yêu thương.

Từ 2 – 3 tuổi: con bước vào giai đoạn phát triển cảm xúc

Trẻ có thể khóc to, nằm vạ như một diễn viên chuyên nghiệp. Đôi lúc còn vừa khóc vừa lén nhìn bố mẹ hay người xung quanh. Bố mẹ hiểu được giai đoạn này sẽ bình tâm quan sát và đồng hành cùng cảm xúc của con. Khi chúng ta hiểu được lợi ích của những giọt nước mắt, cả bố mẹ và trẻ sẽ học được cách chuyển hóa cảm xúc tích cực. Bạn có thể xem cách bố mẹ trong video này đồng hành với bé ăn vạ trong đám cưới của bố mẹ.

Từ chối cảm xúc của con giai đoạn này, trẻ có thể rơi vào hoang mang khi trưởng thành. Như bản thân mình, hay chồng để chấp nhận tiếng khóc của con thật không dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều quyết tâm và nỗ lực tự thân. Nhiều lần thành công, cũng không ít thất bại mất kết nối với con.

Từ 4 – 5 tuổi: tuổi nói không làm ngược và tách mẹ trở thành một cá thể độc lập.

Nói không là cách xác định cái tôi, bé muốn được quyết định những việc liên quan đến bản thân mình. “Con không ăn đâu; không tắm… hàng ngàn lần “KHÔNG”. Lúc này chúng ta cần đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ. Hãy đảm bảo rằng luôn tử tế và kiên định, đảm bảo kết nối với trẻ bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu.

Trong phạm vi an toàn hãy để trẻ trải nghiệm thưởng phạt thuận tự nhiên như không ăn sẽ đói, không mặc ấm sẽ lạnh. Ta đồng hành trải nghiệm của sự thất vọng nhưng không bằng trừng phạt hay phần thưởng. Cụ thể “con không ăn thì đánh đòn” hay “ ăn xong rồi mẹ thưởng kem” . Con cần được hiểu rằng, không ăn, đói là hệ quả tất yếu. Và mẹ ở đó để giúp đỡ.

veeteczy.com

Từ 5 – 10 tuổi: trẻ dần trưởng thành và trở nên độc lập và tìm kiếm hình mẫu để trưởng thành.

Con quan sát và đối chiếu những gì ba mẹ nói với hiện thực. Con chọn lựa làm theo người mình nể và không làm buồn lòng người mình yêu thương.

Cá nhân mình may mắn vào thời điểm “trốn học” đi chơi, tự nhận ra mình không muốn thế và dừng lại. Thần tượng lúc ấy muốn trở thành là các nhân vật trong phim truyền hình Hồng Kông thập niên 2000.  Đó là cảnh sát, luật sư hay thậm chí là các nữ đại hiệp vừa mạnh mẽ vừa tài giỏi.

Từ 10 – 15 tuổi: bước vào giai đoạn trưởng thành, lúc này trẻ sẽ trở thành người độc lập hoàn toàn.

Trong 10 năm đầu đời, trẻ sẽ quyết định bố mẹ có còn là người đồng hành để tiếp tục chia sẻ hay không? Giai đoạn này mình may mắn gặp được thầy cô tốt và gia đình yêu thương nên không lạc lối. Nhưng không phải ai cũng được là chính mình. Đứa trẻ trước mặt bố mẹ và khi vắng mặt thật sự rất khác.

Giai đoạn này, điều quan trọng nhất không phải con là đứa trẻ thế nào trước mặt bố mẹ và người xung quanh. Đó là năng lực lựa chọn khi không có bố mẹ ở bên, khi không có ai áp đặt hay doạ dẫm.  Cụ thể là “ tôi sẽ không hút thuốc vì nó có hại cho sức khỏe và tôi yêu quý cơ thể này!” thay vì “tôi không có lựa chọn khác nếu không hút thuốc sẽ bị tẩy chay”

Hành trình làm bố mẹ sẽ kéo dài rất nhiều năm, kết quả chỉ có thể nhìn thấy sau 10 – 20 năm nữa. Nhưng chỉ cần chúng ta đủ khiêm nhường và kiên trì thì có thể nhận được phần thưởng xứng đáng. Hiểu tâm lý theo độ tuổi giúp chúng ta hiểu được chính mình ngày xưa, giảm nhẹ khủng hoảng khi trở thành bố mẹ hôm nay.

Thành công của ai đó không đến từ nỗ lực một lúc, hành trình thay đổi vì con cũng không thể ngắn hạn, đó là hành trình mà chúng ta mỗi ngày đều học thêm điều mới dù con bạn bao nhiêu tuổi, hay bạn là bố mẹ của bao nhiêu đứa trẻ đi nữa!

Mẹ của Tây & Jessie!

#vietwise, #nghelambome

Xem thêm tại: https://thaydoivicon.com/

Like pages: https://www.facebook.com/ThayDoiViCon.TrinhTruong