Menu
Làm cha mẹ

Vì sao ta khóc? Lợi ích tuyệt vời của nước mắt.

Trước đây mình nhìn nhận khóc là uỷ mị. Mình ghét khóc, còn xem đó như thước đo của sự yếu đuối. Rồi tìm kiếm lời khuyên để ngừng khóc hay dừng việc ai đó khóc, đặc biệt là con trẻ.

Vậy vì sao ta khóc?

Sau này khi con khóc dẫn dắt đi tới sự hiểu biết. Nước mắt giúp xoa dịu nỗi buồn, giúp bộc lộ niềm hân hoan mà nụ cười không diễn tả hết. Thỉnh thoảng, tiếng khóc của con vẫn khiến mình nổi đóa vì mình bất lực không thể hiểu con. Chính xác là vì tâm mình chưa an, lòng mình chưa đồng cảm. Nhưng mình đã ngừng gắn nhãn cho việc “khóc”.

Những đứa trẻ bên trong chúng ta, lớn lên mà chưa từng được vỗ về khi khóc, thấu hiểu khi thất vọng. Ta chấp nhận làm mọi thứ để bản thân không cần phải khóc. Thậm chí tránh để nhìn thấy hay chứng kiến người thân khóc. Một cuộc tranh cãi, chỉ cần ai đó bắt đầu rơi nước mắt. Mình sẽ chọn lảng tránh thay vì thấu hiểu.

Giờ đây, mình chấp nhận khóc là một phần tuyệt vời trong hành trình lớn lên của con trẻ. Chấp nhận con khóc, đôi khi mình cũng rơi nước mắt trước mặt con. Và thật may, đôi khi chồng có mệt mỏi vì cơn mè nheo thì con đã biết hỏi.

“Ba có biết khóc là tốt, bạn nước mắt đang giúp đỡ và xoa dịu cho con không?”.

Chỉ nhiêu đó thôi, mình cũng thấy lòng dạt dào cảm xúc.

Được khóc và được ai đó khóc trước mình là một điều đặc biệt. Thay vì nhìn giọt nước mắt với những nhận định từ trước như: xấu hổ, yếu đuối. Việc ta chọn dừng lại, nhìn tận sâu bên trong, có thể giúp ta nhận diện được nhiều điều ý nghĩa.

Liệu những giọt nước mắt có giống nhau?

Không phải tất cả nước mắt đều như nhau. Ngoài hai loại nước mắt cơ bản của cơ thể con người: nước mắt tự nhiên và nước mắt phản xạ. Thì loại nước mắt cuối cùng là nước mắt cảm xúc. Loại này hàm lượng protein cao, khiến chúng dày và rơi chậm. Việc này tạo thêm cơ hội gây sự chú ý người bên cạnh.

Nước mắt cảm xúc là một tín hiệu xã hội, thậm chí là một dấu hiệu tìm kiếm sự giúp đỡ. Khóc xảy ra khi mọi người đã đạt đến giới hạn để có thể nói thành lời, hay làm điều mà bản thân có thể tự giải quyết.

Khoa học cũng đã chứng minh, khóc giúp ta giải tỏa cảm xúc do kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Cơ thể sản sinh chất giảm đau oxytocin giúp bản thân bình tĩnh và cải thiện tâm trạng.

Ta có thể làm gì khi ai đó khóc?

Đôi khi không nói gì và làm gì lại là câu trả lời. Người lớn hay con trẻ, cần là một người âm thầm lắng nghe thấu hiểu, hay một bờ vai để dựa vào.

Như lời bài hát “ Cry on my shoulder – Westlife”

(Tạm dịch “ Hãy khóc trên vai “mẹ” cho tình huống mẹ con)

Nếu như con muốn khóc
Hãy khóc trên vai mẹ
Nếu như con cần ai đó
Quan tâm đến con
Nếu như con cảm thấy buồn
Trái tim con lạnh lẽo
Vâng, mẹ sẽ cho con thấy tình yêu thật sự là gì…

Mình hiểu rằng hành trình đi từ xem nhẹ, hiểu đồng hành không hề dễ dàng. Việc chứng kiến ai đó khóc là một trải nghiệm khó khăn nếu ta bị từ chối cảm xúc quá nhiều từ thời thơ ấu. “ Có gì đâu mà khóc?” Hay “ đừng uỷ mị nữa ” thật sự là những câu nói đầy tổn thương cho người cần được giúp đỡ.

Giờ đây, khi chúng ta đã hiểu và biết ơn điều kì diệu của những giọt nước mắt. Mình tin rằng việc bắt đầu chấp nhận nó sẽ trở nên “dễ thở” hơn nhiều, phải vậy không?

Bạn sẽ thấy, khóc không còn đáng ghét mà thật tuyệt vời. Bạn có biết đó là gì không?

Vì con vẫn còn thấy bạn “ đủ an toàn, tin tưởng và thân thuộc” để mà khóc trước bạn. 

Mẹ của Tây & Jessie