Menu
Sống tỉnh thức

Làm gì khi anh em giận nhau và mẹ thì kiệt sức?

Hôm qua, bé lớn nhà mình là một ngày không được vui vẻ, có những thời điểm con không sẵn sàng chia sẻ bất kỳ đồ chơi nào cùng em. Sau hơn 15 phút cãi nhau, thì cô em giận. Nàng ôm chặt lấy mẹ khóc tấm tức. Lúc ấy, mình cực kỳ mệt và nổi giận.

Hành trình làm cha mẹ này tuy thật nhiều niềm vui và hạnh phúc nhưng không hề dễ dàng. Qua trải nghiệm nhiều khóa học và khóa đào tạo phụ huynh, một trong những điều tâm đắc nhất lại là ba câu hỏi lớn trong khóa học Cha Mẹ Ôn Hòa, Con Trẻ Hạnh Phúc từ TS, Laura Markham. Quan trọng hơn hết, nó không phải cho con, mà cho chúng ta, những ông bố bà mẹ.

1. Mức độ hạnh phúc của bạn bây giờ là bao nhiêu?

Bạn có bất ngờ không? Khi không phải là một câu hỏi bạn đang muốn thay đổi con như thế nào? Hay vấn đề của bạn đối với con là gì? Mà câu hỏi đầu tiên, là về chính bố mẹ. Chúng ta, có đang hạnh phúc không? Có đang mệt mỏi và kiệt sức?. Bố mẹ có biết, trong khóa học về Cha mẹ Kiệt Sức, đã có những ông bố bà mẹ bật khóc vì cạn kiệt. Sự thay đổi của xã hội, quyền của cá nhân đã đẩy bố mẹ vào vòng xoáy của những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta có quá nhiều gánh nặng và nỗi lo. Chỉ hai mươi năm trước, những đứa trẻ lớn lên với anh chị em, trẻ hàng xóm không đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối như hiện tại vì thiếu vắng tương tác.

Nếu bố mẹ đang không hạnh phúc, thì làm sao đủ sức để nuôi dưỡng con trong hạnh phúc. Rất nhiều lần mình nghe thấy bạn bè hay đồng nghiệp, ước mong rằng có một ngày nghỉ, nhưng thầm luôn thấy có lỗi với những đứa trẻ vì đã dành quá ít thời gian cho con. Vậy Dr Laura đã đề nghị điều gì? Mỗi khi bắt đầu chỉ trích bản thân, hãy cho bản thân một khoảng lặng .

Tất cả điều này chỉ vì một mục đích duy nhất – YÊU VÀ CHẤP NHẬN MÌNH. Hãy chọn cho mình một thông điệp – thần chú yêu thương, không phải cho con – mà cho ta. Để nhắc rằng “bố mẹ cũng cần được yêu thương”. Khi chúng ta sạc đầy tình yêu cho chính mình, ta mới có cơ hội trao cho con cái. Bởi vì ta không thể trao cho ai điều gì mà ta không có.

2. Nếu được chọn 3 từ mà bạn muốn con miêu tả về bạn, bạn sẽ muốn 3 từ đó là gì?

Câu hỏi này không nói về giải pháp, mà là bức tranh tuổi thơ con sẽ nhớ về. Dù áp dụng bất kỳ phương pháp nào, điều duy nhất đọng lại trong lòng trẻ là ký ức và cảm xúc. Giờ đây khi nhớ về tuổi thơ, bạn sẽ miêu tả như thế nào? Từng ký ức sẽ tái hiện, vui vẻ khi được yêu thương, tức giận sợ hãi khi bị đánh đòn. Giờ đây khi là bố mẹ, đứa trẻ của bạn cũng đi qua hành trình này như cách chúng ta đã từng. Hãy nói với con 3 từ mà bạn mong con muốn cảm thấy khi làm con của bạn. Nếu con đủ lớn, hãy hỏi con làm thế nào mẹ cùng con đạt được điều đó.

3. Bạn có thể tìm được cách nào để giúp đỡ CHÍNH BẠN thực hiện được điều này?

Bạn có để ý thấy câu hỏi không đến từ việc bố mẹ phải làm gì? Mà là bố mẹ có thể làm sao để giúp đỡ chính mình. Không phán xét, không so sánh. Mỗi một hành trình đều có xuất phát điểm rất khác nhau. Và chúng ta, đều cần được giúp đỡ từ người đi trước, và giúp người ở phía sau. Hãy một lần ngồi xuống, và cho phép bản thân không hoàn hảo. Ta hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ , và RẤT ỔN để nói tôi cần được giúp. Tôi cần thời gian cho riêng mình, tôi cần thêm kiến thức, tôi cần chồng giúp để có lại thời gian cho bản thân, tôi cần vợ giúp để thoát khỏi cơn nóng giận. Hãy cho phép bản thân được tìm kiếm sự trợ giúp, đừng gánh lấy tất cả một mình.

4. Áp dụng tình huống em giận anh không cho chơi cùng.

Mình chọn dỗ bé em ngủ và bảo con lớn mẹ cần chút thời gian. Bạn giận đã đến còn chưa đi khỏi. Mình ngủ một giấc ngắn và có thể bình tâm. Nếu trước đây, mình sẽ ngay lập tức muốn giải quyết mọi thứ trong tình trạng kiệt sức và mệt mỏi. Mình áp đặt mong cầu hai con hòa thuận , mình sẽ áp dụng ngay những bài học về xử lý mâu thuẫn. Nhưng lúc đó, mình đã cạn kiệt để hòa giải hai đứa trẻ. Khi thức dậy, em tiếp tục giận và từ chối đạp xe cùng anh. Em không nhìn cũng không trả lời. Lúc này, anh hai khóc to và xin lỗi rối rít. Đó giờ em ít giận lâu như vậy, và mẹ chưa bao giờ ngồi im như thế.

Cuối cùng, mình đã xử lý tình huống như thế nào?

  • Mức độ hạnh phúc lúc ấy rất thấp, và hoàn toàn không thích hợp để kết nối và xử lý tình huống trọn vẹn. Mình cho bản thân thời gian, không giải quyết trong kiệt sức. Mình bảo con “Giờ hai con cần được tách riêng đến khi có thể chơi lại cùng nhau”
  • Mình nghĩ về câu hỏi chọn 3 từ để con miêu tả về bạn,. Mình chọn yêu thương, quan tâm và công bằng. Vậy sau khi thức dậy, đối diện hai đứa trẻ đang giận nhau, mình có thể làm gì? Để con thấy rằng mẹ yêu thương, quan tâm công bằng với hai anh em.  Mình ôm cả hai bé vào lòng và xin lỗi vì cơn nóng giận. Giờ là lúc sửa chữa mọi thứ.
    • Vì sao em giận con?
    • Vì sao anh hai lại tức giận như vậy con biết không?
    • Con nghĩ con có thể làm gì để sửa chữa điều này?
    • Anh hai đã buồn vì em giận, giờ con có muốn giúp mẹ lau nước mắt, và ôm anh một cái không?
    • Lần sau con nghĩ hai anh em có thể làm gì?
    • Nếu được hướng dẫn thì con sẽ chọn nói gì với em?

Kết thúc bằng cái ôm chữa lành của gia đình bố ,mẹ và hai con.

  • Lúc này nhất mình đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai?
    • Chồng: gia đình đã thống nhất trong tình huống căng thẳng, người còn lại bình tĩnh hơn sẽ trò chuyện cùng con. Con không cảm thấy bị bỏ mặc, và mẹ cũng có thời gian để chuyển hóa cảm xúc.
    • Thời gian: mình nhờ sự trợ giúp của thời gian, cho bản thân được hồi phục, để cơn giận qua đi và tỉnh thức kết nối hai con.
    • Con: mình để con chờ đợi, và để con trải nghiệm hệ quả hành vi và sẵn sàng cho giải pháp sau đó.

Bạn có thể nghe bài viết tại: Spotify, Apple, Google