Khi còn nhỏ mình thích lên thư viện và đọc sách mê say đến khi quên cả giờ về. Thậm chí mua một ổ bánh mì, mình cũng đọc không sót chữ nào trong tờ giấy báo bọc quanh. Niềm yêu thích đọc đến tự nhiên nên mình không khi nào tự hỏi tại hỏi bản thân vì sao mình thích đọc như thế.
Giờ đây khi bước qua ngưỡng tuổi ba mươi, bỗng dưng mình thích viết. Mình đã từng nghĩ mình là đứa văn dở tệ khi học hành cỡ nào văn mãi không qua nổi con số bảy. Nhưng một ngày mình nhận ra sức mạnh của ngôn từ. Hành trình làm mẹ là hành trình mà mình nhận được rất nhiều từ các chia sẻ của các mẹ. Nếu các mẹ cũng không viết thì liệu rằng những giá trị tốt đẹp ấy mình có cơ hội được đọc và tiếp cận.
Nhìn sâu tận bên trong, quan sát nỗi sợ của bản thân là nỗi sợ không được ghi nhận, nỗi sợ bị phán xét hay phủ nhận. Nên để bắt đầu viết là một sự dũng cảm mà bản thân đã phải cân nhắc rất nhiều lần để bước qua ranh giới ấy.
Mình cũng không chắc đã sẵn sàng cho những phản biện, nhưng mình chấp nhận một thử thách mới đó là viết nghiêm túc về những vấn đề mà mình quan tâm, đặc biệt là hành trình trở thành cha mẹ, hành trình đồng hành cùng hai thiên thần nhỏ. Phần thưởng lớn nhất là phần thưởng của lương tâm khi chia sẻ lại những gì đã trải qua để rồi biết đâu đó ngoài kia sẽ có mẹ kết nối với mình như cách mà mình vẫn loay hoay kiếm tìm.
Vẫn câu hỏi tại sao lại chọn viết, mình đã đọc rằng ngôn ngữ là lớp vỏ của tư duy, chỉ khi đặt bút xuống viết ra mới biết được tư duy của mình có lạc lối không, liệu những gì mình viết liệu có hữu ích cho mình, cho người khác.
Mình chọn viết vì mình biết đây là cách hiệu quả để mình thực hành giá trị sống khiêm nhường khi mình chọn nghe nhiều hơn, nói ít đi, đọc nhiều thêm, quan sát tâm để để xây dựng sức mạnh nội tại bên trong.
Hành trình viết là hành trình chữa lành và hoàn thiện đứa trẻ bên trong; học cách gọi tên và chuyển hoá những cảm xúc khó khăn khi đối diện hoàn cảnh bên ngoài, trước khi áp đặt mong muốn hoàn hảo của mình lên con trẻ.
Bắt đầu viết là hành trình chấp nhận sự khác biệt, và tập quen với sự không tuyệt đối. Nhớ hồi mình còn tuổi mười lăm, mình đã hỏi mẹ sao lại không dừng mối quan hệ khi không vừa lòng, mẹ chỉ nói đôi khi năm mươi – năm mươi đã là đủ nhiều. Đến tận bây giờ gần hai mươi năm sau mình mới dần hiểu.
Tám mươi ngày viết có chủ đích mình sống một một tâm thế khác, rồi công việc cuốn đi khiến lại dừng viết và quay lại nhịp điệu cũ ồn ào, rối bời và hoang mang. Đôi khi hối hận vì hai vợ chồng trót lớn tiếng với con nhưng không còn khoả lấp bằng lý do nào khác ngoài chính mình.
Bấy nhiêu thôi cho một lý do để cầm bút – viết cho chính mình – viết dành tặng con – một hành trình thay đổi từ bên trong đầy ý nghĩa và hữu ích.
Mẹ của Tây & Jessie