Menu
Làm cha mẹ

Làm thế nào khi con bị bạn mới trêu chọc?

Đầu tháng 5, con đến chơi nhà bạn. Khu vui chơi vắng lặng, chỉ có hai đứa trẻ. Lát sau, có anh lớn từ đâu bước tới chiếm lấy cứ địa, mãi đi theo trêu chọc hai con. Lúc đầu, mẹ gợi ý con mời ăn bánh để cùng chơi. Thế nhưng, bất ngờ anh từ chối: ”nhà anh có nhiều lắm, anh chả thèm ăn bánh đó!”
Anh cứ đi theo khiến con và bạn tức giận, hét vào mặt anh. Nhưng có vẻ sau hành vi ấy là nhu cầu được chú ý. Dù xuống chơi cùng chị, nhưng cuối cùng anh chỉ chơi một mình. Chị anh bận rộn chơi điện thoại trong góc nhỏ. Mẹ mở lời trò chuyện cùng anh:
  • “Con có muốn chơi cùng không hai em không?”
  • “Không, anh chỉ chọc thôi à, tụi con không muốn chơi đâu”
Đến giờ về, mẹ chào tạm biệt và hẹn gặp lại. Lúc rời khỏi khu vui chơi, anh chạy đến sát bên cửa kính, nhìn với theo tạm biệt.
Khi trở về nhà, mẹ trò chuyện cùng con. Mẹ nhẹ nhàng hỏi:
  • Con thấy anh thế nào?
  • Con không thích anh, anh chọc tụi con, anh chê bánh tụi con nữa!
  • Mẹ nghĩ anh muốn gây sự chú ý, lúc con về anh có nhìn theo mình, con có thấy không?
  • Con thấy!
  • Thế con có muốn thử nghiệm không?
  • Thử nghiệm gì vậy mẹ?
  • Lần sau gặp lại anh, con cứ nói anh ơi, em không thích bị chọc đâu. Anh có muốn chơi đuổi bắt không? Nếu anh muốn chơi, nghĩa là anh chọc con vì anh muốn chơi cùng. Nếu anh từ chối, thì con cũng đã làm rất tốt!

Hai tuần sau, con lại đến chơi cùng bạn.

Và tất nhiên lại thấy anh chơi loanh quanh ở đó. Con chạy đến thì thầm:

  • “Anh hôm bữa kìa mẹ, con không muốn bị anh chọc nữa đâu”
  • “Con nhớ thử nghiệm hôm rồi không? Giờ con thử rủ anh chơi chạy đua xem nào!”
Bẵng đi một lúc, mẹ thấy hai con đang đuổi bắt nhau. Con chạy đến nói với mẹ:
  • “Anh hết trêu con rồi mẹ, còn rủ con chạy đua, anh thì đạp xe”
Nhìn sang bên, thấy anh đang đứng đó gọi:
  • “Em ơi, đua nữa không?”
  • “Anh đi xe đạp nhanh quá, em đuổi không kịp”
  • “Ok, anh để xe đó, chạy bộ với em”
Mẹ mất khá nhiều năm cuộc đời, để hiểu và thực hành cảm thông. Mẹ mong mang đến cho con một góc nhìn mới, xây dựng sự đồng cảm. Giá trị này ảnh hưởng từ trải nghiệm thơ ấu, được khơi gợi nuôi dưỡng trong gia đình.
Với bố mẹ, phần thưởng là niềm vui trong tâm, sửa mình đồng hành cùng con. Với con, đó là giá trị sống mang theo khi trưởng thành, một người bạn đáng ghét đến có thể chơi cùng. Còn với anh, là những phút giây vui vẻ cùng người bạn mới, dù ngắn ngủi và dễ dàng quên mất.
“Con có nhớ tất cả việc này không?” dù không chắc, nhưng mẹ vẫn sẽ làm. 
Trinh Trương.
Tình huống tương tự, bạn có thể xem thêm bài viết: Nghịch lý làm bạn với trẻ bắt nạt con mình TẠI ĐÂY