Menu
Làm cha mẹ

Hệ quả tự nhiên – phương pháp thay thế thưởng phạt hành vi

Nam sinh ra trong một gia đình khá giả, luôn nhận những điều tốt đẹp nhất trong gia đình. Nam chưa bao giờ bị thiếu thứ gì từ món ngon đến quần áo. Bố mẹ Nam đi lên từ hai bàn tay trắng gây dựng cơ nghiệp. Ngày bé, có lần Nam ăn vạ không ăn cơm, bố giận dữ nhốt Nam vào phòng. Hôm ấy Nam đói khóc rã rời mới được ổ bánh mì qua cơn. Bố Nam nói “phải trừng phạt dạy dỗ một lần cho biết trân trọng thức ăn”. 

Hoa thì khác, chỉ cần Hoa đạt được thành tích, em sẽ được những món quà đắt tiền. Chỉ cần em làm tốt điều gia đình muốn, em sẽ có bất cứ thứ gì em thích. 

Phương pháp trên còn được gọi là Cây gậy hay Củ Cà Rốt trong loạt phóng sự VTV7 – Cha mẹ thay đổi. Và hai phương pháp trái ngược này đều được xem là động lực bên ngoài. Khi không còn phần thưởng, trẻ có thể mất động lực để học tập và làm việc. Khi không còn sự trừng phạt, trẻ có nguy cơ đánh mất khả năng nhận diện đúng sai từ bên trong.

Cây gậy thì gây tổn thương, còn cà rốt thì gây nghiện”

Theo chủ nghĩa hành vi, mọi đánh giá tốt xấu đều dựa trên hành vi mà trẻ thể hiện, bỏ qua những lý do hay niềm tin tiềm ẩn phía sau. Để chỉnh sửa nó, ta bỏ qua tổn thương cảm xúc nhằm đạt được hiệu quả tức thời. Tuy nhiên theo nghiên cứu khoa học, tổn thương cảm xúc tương đương tổn thương về mặt thể chất. 

Theo phương pháp Kỷ Luật Tích Cực, hãy để trẻ trải nghiệm “hệ quả tự nhiên” thay vì can thiệp và xử lý áp đặt.  

1. Hệ quả tự nhiên:

Hệ quả tự nhiên là những gì xảy ra một cách tự nhiên mà “không có” sự can thiệp của người lớn. Nếu là hành vi nghịch thì đó là trải nghiệm xấu mà trẻ phải đối mặt. Đó có thể là trẻ sẽ đói nếu lựa chọn không ăn, sẽ lạnh nếu không mặc ấm. Đó còn là cảm nghiệm trong lương tâm khi trẻ có hành vi sai trái. Có thể là trẻ cảm thấy áy náy khi đánh người. Hay lương tâm áy náy khi lựa chọn nói dối. 

Trẻ thường xuyên cảm thấy thật tệ hoặc tội lỗi khi làm sai. Việc để trẻ trải nghiệm “hệ quả tự nhiên” sẽ giúp trẻ học được cái đúng từ trong cái sai. Việc chê bai hay nói lời miệt thị sẽ khiến trẻ dừng việc học hỏi từ trong sai lầm. Con sẽ tập trung vào lời chê trách, nỗi xấu hổ mà người lớn mang đến. 

Điều mà con trẻ mong muốn nhất từ bố mẹ là đồng cảm và thấu hiểu. “Mẹ thấy là con đói bụng vì bỏ ăn đúng không?”. Đối với bé lớn là cơ hội để con tìm ra giải pháp cho trải nghiệm của mình. “Mẹ tin rằng con có thể xử lý được việc đó!”.

Ví dụ như việc tự nấu một bữa ăn với sự hướng dẫn của mẹ. Đối với bé nhỏ có thể là sự hỗ trợ “Con có muốn ăn chút gì không, mẹ thấy con thật sự rất đói!”.

Vậy trường hợp nào không thích hợp để sử dụng hệ quả tự nhiên?

Đó là trong tình huống trẻ gặp nguy hiểm như chạy chơi trên đường phố hoặc chạm vào phích điện. Điều này không phụ thuộc vào việc bạn dùng phương pháp nào để răn dạy con. Chìa khóa là chờ đợi sự trưởng thành về mặt nhận thức, ít nhất là khi trẻ đạt 6 tuổi. 

Hoặc hành vi của trẻ xâm phạm và ảnh hưởng xấu đến người xung quanh: như ném đá vào người lạ hay phá hoại đồ dùng của người khác. Lúc này trẻ cần có sự hướng dẫn và làm gương từ bố mẹ hay người chăm sóc trực tiếp. Đó là áp dụng hệ quả hợp lý tập trung xây dựng năng lực chịu trách nhiệm và tìm ra giải pháp. 

2. Hệ quả hợp lý:

Hệ quả hợp lý khác với hệ quả tự nhiên khi có sự can thiệp thưởng phạt từ người lớn. Nguyên tắc được đặt ra theo quy định cần phải đạt được 4 tiêu chuẩn chính: 

  • Related – liên quan: trực tiếp đến hành vi.
  • Respectful – tôn trọng: không khiển trách, khiến trẻ xấu hổ, hổ thẹn.
  • Reasonable – hợp lý: đối với bố mẹ hay với trẻ.
  • Revealed in advance – thông báo trước hệ quả (trong tình huống phù hợp)

Nếu thiếu các tiêu chuẩn này, đó không còn là hợp lý mà mang ý nghĩa trừng phạt là chính. Cụ thể khi trẻ vẽ bậy trên bàn học tại trường, sẽ liên quan nếu trẻ chịu trách nhiệm lau sạch chúng. Tuy nhiên, nếu việc này thực hiện trước tập thể lớp, sẽ thiếu yếu tố tôn trọng khiến trẻ xấu hổ. Mặc khác, nếu trẻ bị ép lau sạch mọi bàn ghế khác trong lớp, sẽ không còn yếu tố hợp lý. Việc không được hướng dẫn, thông báo trước về hệ quả, sẽ dẫn đến thông điệp trừng phạt. 

Đâu là đứa trẻ mà bạn đang muốn con trở thành?

Ví dụ khi trẻ lớn đá bóng làm vỡ kính, việc phạt nặng như đánh đòn, tước đoạt quyền lợi cấm chơi bóng chỉ có tác dụng nhất thời. Việc này có thể đánh mất cơ hội lắng nghe lương tâm, khả năng phân biệt đúng sai từ bên trong. Đồng thời là cơ hội xây dựng tinh thần trách nhiệm của trẻ.

Có ba kiểu đứa trẻ khi mắc lỗi: một trẻ luôn thấy tội lỗi hối hận vì phạm lỗi và không làm gì tiếp theo. Một trẻ chấp nhận sự việc sai phạm như lẽ thường. Và một trẻ còn lại chọn nhận lỗi và sửa chữa bằng hành động cụ thể.

Giống như việc chúng ta khi là bố mẹ, sau khi đánh mắng con cái chúng ta luôn đau lòng và hối hận, hoặc chúng ta chấp nhận nó là một phần hiển nhiên trong quá trình dạy con. Nhưng có một con đường khác: ta chân thành nhận lỗi vì cư xử không đúng, học hỏi để sửa chữa sai lầm và trưởng thành từ đó.

3. Lợi ích của việc trải nghiệm hệ quả và tập trung cho giải pháp:

“Hãy quyết định bạn sẽ làm gì thay vì bạn sẽ bắt ép con làm điều đó

Việc này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả gia đình. Đây là quá trình dài lâu xây dựng được năng lực cho trẻ và cả bố mẹ. Đối với trẻ, việc này giúp xây dựng năng lực chịu trách nhiệm và khả năng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, khả năng phân biệt đúng sai từ bên trong. Đối với bố mẹ, là cơ hội tuyệt vời để gia tăng năng lực đồng cảm, làm gương trong từng tình huống. 

Kim chỉ nam trong việc làm cha mẹ tích cực, là quá trình làm gương về lựa chọn giá trị sống. Đó còn là quá trình lắng nghe lương tâm từ bên trong, phân biệt đúng sai phải trái.

Chỉ khi được làm điều bản thân thấy giá trị, chúng ta sẽ làm trong hạnh phúc. Đó là cảm giác sống tự chủ từ bên trong, được là chính mình, sống bằng tình yêu thương